Nga dự kiến tiêm vaccine Covid-19 đại trà vào tháng 10

Cập nhật: 3/8/2020 | 9:55:40 AM

Sau khi rút ngắn giai đoạn thử nghiệm, Nga dự kiến tiêm chủng đại trà vaccine cho công dân trong tháng 10 năm nay.

Quyết định được Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko thông báo hôm 1/8. Ông cho biết cơ sở nghiên cứu quốc gia tại Moskva đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng một loại vaccine dựa trên công nghệ DNA. Các thủ tục cấp phép đang được tiến hành.

Kế hoạch tiêm chủng sẽ bắt đầu với bác sĩ và giáo viên.

Nga là một trong số những quốc gia đang gấp rút nghiên cứu và phát triển vaccine. Đây vẫn được coi là phương pháp duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe, đã giết chết hơn 680.000 người trên thế giới.

Vì tốc độ thử nghiệm nhanh chóng, nhiều chuyên gia lo ngại về sự an toàn và hiệu quả của sản phẩm. Họ nhận định Nga sử dụng vaccine như một công cụ tuyên truyền, ngay cả khi không có bằng chứng khoa học cho tuyên ngôn "kẻ dẫn đầu cuộc đua".

Trong cuộc họp Quốc hội hôm 31/7, tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, cảnh báo: "Tôi hy vọng Trung Quốc và Nga đang thực sự thử nghiệm vaccine trước khi tiến hành tiêm chủng cho bất cứ ai".

Một tình nguyện viên được tiêm thử vaccine tại Đại học Y Sechenov, tháng 7/2020. Ảnh: Văn phòng Báo chí Đại học Y Sechenov

Một tình nguyện viên được tiêm thử vaccine tại Đại học Y Sechenov, tháng 7/2020. Ảnh: Văn phòng Báo chí Đại học Y Sechenov

Nga bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba vào tháng 8, với sự tham gia của 800 người, theo Kirill Dmitriev, một quan chức cấp cao của Quỹ đầu tư Trực tiếp Quốc gia. Đây là khâu duy nhất để xác định xem vaccine có hiệu quả hay không. Từ khi dịch bệnh bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cập nhật một danh sách tòa bộ thử nghiệm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, dự án của Nga không nằm trong số đó.

Dù vậy, cơ quan quản lý nước này vẫn dự kiến phê duyệt vaccine trong tháng 8, sớm hơn nhiều so với mốc thời gian lý tưởng là cuối năm, được hầu hết các chuyên gia đề xuất.

"Chúng tôi tin rằng đây sẽ là loại vaccine đầu tiên được chấp thuận theo quy định", ông Dmitriev nói.

Vaccine của Nga phát triển bởi Viện Gamaleya, Moskva, sử dụng hai chủng virus đường hô hấp (adenovirus) gây cảm lạnh nhẹ ở người. Chúng được biến đổi gen để khiến các tế bào nhiễm bệnh tạo ra protein từ gai virus. Công nghệ này cũng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng.

Viện Gamaleya đã thử nghiệm vaccine trên các binh sĩ. Dù Bộ Quốc phòng cho biết tất cả đều tình nguyện, nhiều người vẫn đặt câu hỏi về vấn đề đạo đức y khoa.

Hiện toàn thế giới có hơn 100 loại vaccine đang trong quá trình phát triển. Trong đó, ít nhất 4 ứng viên được thử nghiệm trên người, ba loại của Trung Quốc và một loại khác từ Anh.

Vaccine Nga vẫn trong giai đoạn hai, dự kiến hoàn thành ngày 3/8, cùng lúc với giai đoạn ba, khi nhân viên y tế được tiêm chủng.

Đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 18 triệu ca nhiễm nCoV và 690.000 trường hợp tử vong. Nga là vùng dịch lớn thứ 4 thế giới, với 850.000 người dương tính, xếp sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ.

(Nguồn: vnexpress.net)

In bản tin