19 tỉnh/thành phố đã triển khai tiêm vắcxin ComBE Five

Cập nhật: 8/1/2019 | 9:56:01 AM

Nguy cơ nhiều loại bệnh tật lan truyền và xâm nhập từ các nước xung quanh hiện nay vẫn hiện hữu rất lớn.

Tiêm vắcxin ComBE Five cho trẻ tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Điển hình như nguy cơ bệnh bại liệt xâm nhập từ bên ngoài; nguy cơ dịch sởi, ho gà, bạch hầu quay trở lại vẫn còn hiện hữu nếu tỷ lệ tiêm chủng thấp, nhiều trẻ trì hoãn tiêm chủng, đặc biệt trong điều kiện thời tiết mùa Đông-Xuân sắp tới.
Hiện nay, có quan niệm cho rằng, người khác đã tiêm chủng thì mình sẽ không có nguy cơ bị mắc bệnh nữa, đây là những quan niệm sai lầm không đúng.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc họp cung cấp thông tin về Chương tình tiêm chủng mở rộng, diễn ra chiều 7/1.
Hơn 101.000 trẻ đã tiêm vắcxin ComBE Five
Tại cuộc họp, giáo sư Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, đã có 101.862 trẻ được tiêm vắcxin ComBe Five. 
Tính đến ngày 6/1, vắcxin ComBE Five đã triển khai tại 19 tỉnh/thành phố, gồm Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Yên Bái, Quảng Nam, Bình Định, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Long An, Cần Thơ, Cà Mau.
Theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ phản ứng thông thường (sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc...) được ghi nhận với tỷ lệ 1,73%. Ngoài ra, cũng ghi nhận một số trường hợp sốt cao, quấy khóc kéo dài ở với tỷ lệ khoảng 0,05%, các trường hợp này đều đã ổn định sau khi được cán bộ y tế theo dõi, điều trị.
Trong tháng 10 và tháng 11 năm 2018, Bộ Y tế đã triển khai vắcxin DPT-VGB-Hib ComBE Five, do Công ty Biological E. Ltd Ấn Độ sản xuất, tại 7 tỉnh (Hà Nam, Bắc Giang, Yên Bái, Kon Tum, Bình Định, Đồng Tháp, Bà Rịa Vũng Tàu). Kết quả đã tiêm được 17.356 trẻ tại 7 tỉnh, tỷ lệ xuất hiện các phản ứng thông thường sau tiêm chủng là 5,5%.
Sau khi triển khai trên quy mô nhỏ tại 7 tỉnh, từ tháng 12 năm 2018, vắcxin ComBE Five được triển khai trên toàn quốc. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã phân bổ vắcxin đến 63 tỉnh/thành phố và hướng dẫn triển khai tiêm vắcxin; chú trọng thực hành tiêm chủng an toàn, đặc biệt là khám sàng lọc và tư vấn cho các bậc cha mẹ cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
Căn cứ vào lịch tiêm chủng thường xuyên, các tỉnh/thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch tiêm vắcxin ComBE Five. 

Phó giáo sư Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
ComBE Five có thành phần tương tự như Quinvaxem 
Theo Bộ Y tế, vắcxin phối hợp 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib) phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng Việt Nam từ tháng 6 năm 2010. Vắcxin đã sử dụng có tên là Quinvaxem do công ty Berna Biotech Hàn Quốc sản xuất. 
Từ năm 2016 vắcxin Quinvaxem đã ngừng sản xuất trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế đã xem xét và quyết định sử dụng vắcxin ComBE Five thay thế vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng.
Tại cuộc họp đại diện Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vắcxin ComBE Five có thành phần tương tự như vắcxin Quinvaxem. 
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (Immunization Safety Surveillance, WHO 2015) tỷ lệ phản ứng thông thường đối với các vắcxin chứa thành phần ho gà toàn tế bào: sốt từ 38-39độ C chiếm tới 44%, phản ứng sưng 38%, nóng đỏ tại chỗ tiêm có thể tới 56%, đau 25%, các phản ứng khác như quấy khóc kéo dài là 3,5%. Các phản ứng nặng có thể gặp như co giật, giảm trương lực cơ, sốc phản vệ (20 trường hợp trên 1 triệu liều vắcxin sử dụng), các phản ứng này cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế. 
Khi triển khai tiêm vắcxin ComBE Five trên toàn quốc, Bộ Y tế chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện theo kế hoạch, thực hiện đúng quy trình tiêm chủng an toàn, khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm chủng 30 phút tại điểm tiêm chủng, tư vấn cho các bậc cha mẹ biết cách theo dõi và chăm sóc trẻ sau tiêm chủng.
Phó giáo sư Phu lưu ý, Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng.
“Các bà mẹ cần chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe hiện tại của con mình như trẻ đang bị ốm, đang dùng thuốc, tiền sử dị ứng đặc biệt có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước như sốt cao, quấy khóc kéo dài, phát ban, sưng nề vùng tiêm. Sau tiêm chủng cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng 30 phút để cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra,” Cục trưởng Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các phụ huynh cần tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1- 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần; bú mẹ; ăn; ngủ; thở; nhiệt độ; phát ban; phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế. 
Theo các chuyên gia, sau khi tiêm chủng, khi trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe như: sốt cao từ 39 độ C trở lên, co giật, phát ban, khóc thét, tím tái, khó thở, li bì, mệt lả, bú kém, bỏ bú... phụ huynh phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị./.

(Nguồn: vietnamplus.vn)

In bản tin