Tiêm phòng vắc xin: Biện pháp phòng bệnh hiệu quả

Cập nhật: 13/6/2018 | 1:15:55 PM

Tiêm phòng là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe con người, nhất là phụ nữ mang thai và trẻ em. Qua đó nhằm ngăn chặn, phòng tránh hiệu quả nhiều bệnh lý nguy hiểm, giúp cơ thể con người thích nghi và có khả năng chống chịu sự tấn công của nhiều loại vi rút, vi khuẩn có hại cho sức khỏe.

Tiêm phòng Phòng tiêm dịch vụ Safpo, Trung tâm
Nhân viên y tế Phòng Tiêm dịch vụ Safpo, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tư vấn cho người dân về tiêm phòng vắc xin.

Tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, chị Nguyễn Thị Quỳnh H., trú tại phường Mạo Khê, TX Đông Triều, đã thở phào nhẹ nhõm vì con gái hơn 1 tháng tuổi của chị bị viêm màng não đã tỉnh táo, không còn sốt. Trước đó, Khoa Hồi sức cấp cứu cũng tiếp nhận bé Phùng Văn T.A., 6 tháng tuổi, trong tình trạng nôn nhiều, sốt cao. Qua thăm khám, làm xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán trạng thái động kinh, theo dõi viêm màng não, tiên lượng nặng. Sau khi được cấp cứu kịp thời, hiện tình trạng của bé đã ổn định hơn, bé ngủ, không co giật, nhịp tim đều, nhưng có di chứng thần kinh. Được biết, những trẻ này đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não-màng não. Theo các bác sĩ, để ngừa bệnh viêm màng não thì cách hiệu quả nhất là tiêm phòng đầy đủ cho trẻ.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Trần Thị Diệp, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Cuối năm 2013, đầu năm 2014, cả nước ghi nhận hàng nghìn trường hợp mắc bệnh sởi, trong đó có Quảng Ninh. Đặc biệt là có nhiều trường hợp tử vong do đồng nhiễm với các vi rút khác hoặc có bệnh lý khác nhưng mắc thêm sởi. Lứa tuổi mắc chủ yếu trong đợt dịch này là trẻ nhỏ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc chưa tiêm đủ số mũi theo quy định. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo tất cả các địa phương trong cả nước triển khai tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi. Do đó, trong giai đoạn 2014-2016, Quảng Ninh đã triển khai thành công chiến dịch tiêm vắc xin sởi- rubella, góp phần kiểm soát bệnh sởi-rubella. Trong năm 2017, Quảng Ninh không ghi nhận ca sởi-rubella dương tính.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, Quảng Ninh đã ghi nhận 10 trường hợp nghi mắc sởi. Bác sĩ Trần Thị Diệp cho biết, các bệnh truyền nhiễm gây dịch theo chu kỳ đều quay trở lại, nhất là các bệnh truyền nhiễm như sởi, rubella, viêm gan virut B... hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó tiêm phòng vắc xin là cách chủ động phòng bệnh hiệu quả nhất.

Tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em.
Tiêm phòng viêm não Nhật Bản cho trẻ em tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

Các bệnh truyền nhiễm, bệnh hiểm nghèo thường gây ra rất nhiều ảnh hưởng cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Trong đó, trẻ em được xem là đối tượng bị tác động nhiều nhất, do cơ thể còn yếu, khả năng đề kháng chưa hoàn thiện, chưa phát triển ổn định, vì thế dễ bị tác nhân lạ xâm nhập. Tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết và đúng thời điểm không chỉ giúp cơ thể tạo ra sức đề kháng ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm, việc này còn khiến người bệnh phòng tránh được nguy cơ suy dinh dưỡng, tàn tật và tử vong. Vì thế, tiêm chủng vắc xin là việc hết sức cần thiết.

Trong những năm qua, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng của tỉnh liên tục tăng cao, nhờ đó, hiệu quả phòng, chống các bệnh như lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib, bệnh tả, thương hàn… đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều năm liền Quảng Ninh đã bảo vệ thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ bệnh bạch hầu và uốn ván sơ sinh. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các dịch vụ tiêm chủng được đảm bảo công bằng giữa các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, công tác tiêm chủng mở rộng càng được ưu tiên hơn.

Thông qua công tác tiêm chủng mở rộng, Quảng Ninh đã thiết lập được hệ thống giám sát sau tiêm chủng, kịp thời khống chế, phòng bệnh hiệu quả. Chất lượng của các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng ngày càng được nâng lên đã khẳng định được tính ưu việt, tạo niềm tin cho nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số trẻ dưới 1 tuổi tiêm phòng đủ 8 loại vắc xin đạt 45,46% (cùng kỳ năm 2017 là 44,28%); phụ nữ có thai được tiêm trên 2 liều vắc xin uốn ván đạt 43,2% (cùng kỳ năm 2017 là 44,54%); tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh đạt 37,68% (cùng kỳ năm 2017 đạt 37,15%); tỷ lệ tiêm vắc xin sởi đạt 45,14% (cùng kỳ năm 2017 đạt 45,51%).

Bác sĩ Trần Thị Diệp cho biết thêm: Trên thực tế để phòng bệnh một cách hiệu quả nhất, mọi người đều cần phải phòng ngừa và tiêm chủng, không phân biệt người lớn hay trẻ nhỏ, giới tính hay độ tuổi, nhằm bảo vệ cơ thể tránh khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nâng cao miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng. Đặc biệt, trường hợp ưu tiên tiêm chủng là trẻ em (đặc biệt là trẻ sơ sinh), phụ nữ đang mang thai, phụ nữ trong giai đoạn sinh nở, người có nguy cơ tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm.

Lịch tiêm chủng cho trẻ:

+ Trẻ sơ sinh: Tiêm vắc xin phòng bệnh lao (BCG); viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.

+ Trẻ 2 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 1; uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 1.

+ Trẻ 3 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 2; uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 2.

+ Trẻ 4 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do Hib lần 3; uống vắc xin phòng bệnh bại liệt lần 3.

+ Trẻ 5 tháng tuổi: tiêm vắc xin IPV (vắc xin bại liệt).

+ Trẻ 9 tháng tuổi: Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi  lần 1.

+ Trẻ 12 tháng tuổi: tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản. Tiêm 2 mũi cách nhau 7-10 ngày. Mũi 3 nhắc lại sau một năm.

+ Trẻ 18 tháng - 24 tháng: Tiêm nhắc vắc xin phòng sởi- rubella (MR) và bạch hầu, ho gà, uốn ván lần 4 (DPT4).

(Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)


(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin