Cách phòng các bệnh thường gặp trong mùa hè

Cập nhật: 8/5/2018 | 2:07:51 PM

Thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hơn 2.000 trường hợp bị cúm mùa, 53 trường hợp bệnh tay chân miệng; 32 ca sốt xuất huyết (SXH), 15 ca sốt phát ban, 15 ca ho gà... Mặc dù ca bệnh xuất hiện rải rác ở các địa phương, nhưng nếu không phòng chống tốt có thể bùng phát thành dịch, nhất là vào mùa hè nắng nóng, mưa nhiều như hiện nay.

Theo bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, mùa hè là thời điểm các loại vi rút, vi trùng phát triển gây nên các bệnh liên quan đến nhiễm trùng, như: SXH, tay chân miệng, bệnh liên quan đến đường tiêu hoá, bệnh cúm, rubella, đau mắt đỏ, thủy đậu, viêm não do vi rút. Năm 2017, Quảng Ninh có 640 trường hợp mắc SXH, nhưng so với cả nước thì con số này không nhiều. Đây là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, sự miễn dịch trong cộng đồng lại thấp (số người chưa mắc SXH chưa có miễn dịch với bệnh này). Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều công trình đang xây dựng là môi trường tốt để muỗi khu trú, phát triển nên nguy cơ bùng phát dịch trong năm nay sẽ rất cao nếu không phòng chống tốt, nhất là vào đợt mưa trong dịp hè. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh cũng có rất nhiều vùng trồng cây ăn quả lớn, như: Đông Triều, Hoành Bồ, Vân Đồn, Tiên Yên, nên dễ xuất hiện các loại muỗi mang vi rút gây viêm não. Năm 2018 trên địa bàn tỉnh xuất hiện 3 ca bệnh này.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Khoa các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tháng 8/2017
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tháng 8/2017.

Quảng Ninh có nhiều loại hải sản đa dạng, phong phú, nhưng nhiều người vẫn có thói quen ăn hải sản sống, dễ mắc các bệnh về tiêu hoá, như: Tả, lỵ, thương hàn. Đây là những bệnh lây lan và tử vong nhanh. Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 trường hợp bị thương hàn (1 trường hợp là khách du lịch, 1 trường hợp khách vãng lai, còn lại là người dân trong tỉnh).

Đối với bệnh cúm, trước kia thường xảy ra vào mùa đông, nhưng gần đây lại xuất hiện quanh năm. Ở Quảng Ninh, vi rút thường gặp gây bệnh cúm là H1N1, H3N2. Mặc dù đây là chủng ít gây nguy hiểm nhưng thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những ca bệnh nặng. Đặc biệt cần chủ động để tránh nguy cơ mắc cúm gia cầm như H5N1, H7N9, H5N6... là những chủng vi rút gây tỷ lệ tử vong cao ở người bệnh.

Điều đáng mừng là hệ thống giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh được thực hiện khá tốt, kịp thời phát hiện vi rút SXH trên bọ gậy, từ đó có sự ngăn chặn, phun diệt kịp thời. Hệ thống, kỹ thuật xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh còn phát hiện sớm bệnh nhân mắc loại SXH gì, phát hiện chủng vi rút EV71 gây bệnh tay chân miệng với nhiều biến chứng nguy hiểm, các chủng vi rút cúm, viêm não, v.v.. Từ đó, giúp cho việc điều trị của các bệnh viện thuận lợi, dễ dàng hơn, đồng thời giúp cho công tác phòng dịch tốt hơn.

Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để phòng tránh nhiều loại dịch bệnh xuất hiện trong mùa hè
Tiêm phòng là biện pháp tốt nhất để phòng tránh nhiều loại dịch bệnh xuất hiện trong mùa hè. Trong ảnh: Tiêm phòng cho trẻ  tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Mặc dù vậy, cũng theo bác sĩ Ninh Văn Chủ, để phát huy tốt nhất công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm thường gặp trong mùa hè, điều quan trọng vẫn là ý thức của mỗi người dân. Các gia đình cần đưa con em đi tiêm đầy đủ các loại vắc xin, nhất là trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng bắt buộc. Bên cạnh đó, người dân cần đảm bảo vệ sinh về môi trường, nước sử dụng trong sinh hoạt, ăn uống hằng ngày; chú ý thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Muỗi là vật trung gian gây nhiều bệnh, do đó cần phòng tránh muỗi đốt bằng cách dọn dẹp đồ đạc, úp các chum, vại, đồ vật chứa nước để muỗi không có nơi đẻ trứng; bồn hoa, cây cảnh chứa nước cần thường xuyên thay nước hoặc nuôi cá cảnh để tiêu diệt bọ gậy; hằng năm phun thuốc diệt muỗi định kỳ trong nhà; đi ngủ cần mắc màn...

Khi thấy người thân trong gia đình có các dấu hiệu bất thường như; Sốt cao, co giật, nôn vọt, cứng gáy... cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán, tư vấn, điều trị. Khi người dân phát hiện nơi ở có nhiều trường hợp ốm bệnh cùng triệu chứng nên thông tin đến chính quyền địa phương, các trạm, trung tâm y tế hoặc website của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để các cơ quan chức năng xử trí kịp thời.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin