Bệnh dại – Không thể lơ là, chủ quan

Cập nhật: 24/4/2018 | 3:11:24 PM

Năm 2017, Quảng Ninh ghi nhận hai ca tử vong do virut dại gây ra, trong hơn 3.000 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm. Đây là hồi chuông cảnh báo khi mà hiện nay, phong trào nuôi chó, mèo đang phát triển mạnh mẽ và bệnh dại vẫn đang hiện hữu, tiềm ẩn nguy cơ cướp đi sinh mạng con người.

Bệnh nhân điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm tại phòng tiêm chủng SAFPO Quảng Ninh
Bệnh nhân điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm tại Phòng tiêm chủng SAFPO, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2017, toàn tỉnh có 3.112 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại sau phơi nhiễm, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh ghi nhận 713 trường hợp đến tư vấn, tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, qua hệ thống giám sát dựa vào sự kiện (EBS) cũng đã ghi nhận 9 trường hợp chó ốm, chạy rông cắn nhiều người tại cùng một thời điểm ở Hoành Bồ, Hạ Long, Đông Triều, Tiên Yên, Móng Cái, Hải Hà...

Đáng chú ý nhất không chỉ là số trường hợp phải điều trị phơi nhiễm tăng cao, mà năm qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận hai ca tử vong do virut dại ở Móng Cái và Tiên Yên. Cả hai ca bệnh đều có tiền sử bị chó cắn hoặc tiếp xúc với dịch tiết của chó ốm nhưng chủ quan không đi tiêm phòng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc...

Để phòng, chống bệnh dại do virut dại gây ra sau khi bị chó cắn, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến nghị người dân thực hiện các bước sau:

* Xử lý vết thương:

- Rửa ngay vết thương thật kỹ bằng nước xà phòng đặc 20%, rửa lại bằng nước muối sinh lý và bôi các chất sát khuẩn như dung dịch iốt đậm đặc.

- Vết thương bẩn, giập nát cần cắt lọc.

- Để hở vết thương, chỉ khâu lại vết thương sau khi bị cắn trên 5 ngày.

* Theo dõi súc vật cắn trong vòng 10-15 ngày. Tuyệt đối không giết chết súc vật cắn.

* Tiêm phòng vắc-xin dại: Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng.

Theo bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sự lây lan của virut dại là vấn đề đáng lo ngại bởi người mắc bệnh dại có nguy cơ tử vong cao. Trên thế giới hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cùng với tâm lý chủ quan, thiếu hiểu biết về mức độ nguy hiểm nên nhiều người dân, đặc biệt là ở những vùng nông thôn, miền núi đã không tiêm phòng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Nguy hiểm là vậy, nhưng theo chia sẻ của bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh dại tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được bằng việc tiêm phòng vacxin. Đến thời điểm hiện tại, tất cả các trường hợp bị chó nghi dại cắn, nếu được tiêm phòng đầy đủ đều phòng được bệnh dại và không có trường hợp nào bị tai biến nặng do vacxin. Trong thời gian qua, việc tăng cường số lượng điểm tiêm chủng của hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh đã phần nào giúp cho người dân tiếp cận tốt hơn với dịch vụ tiêm chủng, đồng nghĩa với việc phòng bệnh hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hiện nay, việc tiêm phòng dại vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định, nhất là việc thiếu hụt nguồn vacxin.

Diễn tiến bệnh dại qua các năm
Diễn tiến bệnh dại qua các năm.

Để đẩy lùi bệnh dại và sự lây lan của virut dại, bên cạnh công tác chuyên môn của y tế dự phòng, ngành chăn nuôi, thú y và các địa phương cũng cần phải phối hợp đẩy mạnh việc quản lý, tiêm phòng dại cho chó, mèo. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại, cách thức xử lý khi bị chó, mèo cắn và tầm quan trọng của việc tiêm vacxin dại...

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin