Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương: “Việt Nam chú trọng y tế cơ sở là đúng hướng”

Cập nhật: 3/4/2018 | 4:02:24 PM

TS.Shin Young-soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO chia sẻ ông ấn tượng với mức tuổi thọ cao (76 tuổi) của Việt Nam, ngang với các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người 8000USD/năm hoặc cao hơn, trong khi thu nhập bình quân của Việt Nam chỉ là 2500USD/người/năm. Chưa có một quốc gia nào từ lúc thu nhập đầu người mới 1000USD/năm đã cam kết chính trị mạnh mẽ xây dựng hệ thống Bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân như Việt Nam, và tới nay đã bao phủ rộng khắp tới gần 90% người dân.

TS.Shin Young-soo, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương trả lời phỏng vấn báo chí

 

Bên lề khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam (29/3-2/4) về y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu nhằm tăng cường bao phủ sức khỏe toàn dân, TS. Shin Young-soo đã trả lời phỏng vấn của báo suckhoedoisong.vn:

PV: Ông đã tới thăm các trạm y tế xã Mường Phăng (Điện Biên) và Chiềng An (Sơn La), cảm nhận của ông về hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu(CSSKBĐ) ở nơi hẻo lánh này?

TS. Shin Young-soo: Tôi đã đến thăm hai trạm y tế xã Mường Phăng (Điện Biên) và Chiềng An (Sơn La). Đây không phải là lần đầu tiên tôi từng tới thăm các trạm y tế xã của Việt Nam. Gần đây, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 20 về nâng cao sức khỏe nhân dân, trong đó có nội dung phát triển y tế cơ sở. Việt Nam là đất nước có nhiều vùng miền với bối cảnh khác nhau: khu vực nông thôn, thành thị, đặc biệt miền núi có sự khác biệt rõ hơn hẳn. Ở Sơn La, Điện Biên, dịch vụ y tế chủ yếu do Chính phủ cung cấp. Trong hệ thống này, CSSKBĐ khởi điểm từ các trạm y tế ở cấp xã. Ở Việt Nam, trạm y tế xã đã làm việc trong nhiều năm rất hiệu quả về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em, mở rộng tiêm chủng,.... Đối với những nước cùng mức độ phát triển, Việt Nam được coi là có hệ thống y tế cấp xã hiệu quả nhất.

PV: Đánh giá của ông về hệ thống y tế cơ sở ở Việt Nam. Theo ông, cần làm gì để thúc đẩy y tế cơ sở và công tác CSSKBĐ ở Việt Nam?

TS. Shin Young-soo: Việt Nam đã phát triển trong 10 năm gần đây về hệ thống BHYT công. Ở Việt Nam, mức bao phủ BHYT công đã lên đến 85%. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, độ bao phủ BHYT đã lên tới 100%. Hầu như ai cũng có thẻ BHYT. Ở Việt Nam, người dân chỉ chi trung bình 170USD/năm cho các dịch vụ y tế, trong mức này ở các nước phát triển hơn là 3000USD/năm và Mỹ là 10.000USD/năm. Vậy trong tình huống cụ thể, làm thế nào chúng ta có thể cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân? WHO cho rằng hơn 80% số bệnh có thể phòng ngừa nếu như có thể chăm sóc tốt thông qua bác sĩ gia đình hoặc các trạm y tế xã, nếu như họ cung cấp được dịch vụ y tế thích đáng. Hệ thống CSSKBĐ cần phải được phát triển. Trong Nghị quyết 20 đã đề cập rất rõ tới cần phải tăng cường hệ thống y tế cơ sở, WHO sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong bối cảnh này. Và trong quá trình này, các trạm y tế xã cũng giữ vai trò dẫn đầu. Việt Nam nên tăng mức chi BHYT cho CSSKBĐ ở các trạm y tế xã; mở rộng độ BHYT cho cả hệ thống bác sĩ gia đình và y tế tư nhân để người dân có thể tiếp cận dịch vụ CSSKBĐ với chi phí thấp hơn và dịch vụ thân thiện hơn.

PV: Việt Nam mới ban hành Nghị quyết 20 về nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (trong đó có các mục tiêu như tăng tuổi thọ, phòng chống bệnh không lây, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân....). Việc đẩy mạnh y tế cơ sở và nâng cao CSSKBĐ, theo ông, sẽ có đóng góp gì cho việc hiện thực hóa các mục tiêu trong Nghị quyết này?

TS. Shin Young-soo: Như tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường năng lực y tế cơ sở để đạt bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, Nghị quyết 20 có tầm quan trọng rất lớn trong lĩnh vực y tế, đây là văn kiện rất quan trọng với tương lai của Việt Nam. Các quốc gia đều rất khác nhau về bối cảnh, đặc biệt về mặt kinh tế xã hội mà bệnh viện chỉ cung cấp được một lượng dịch vụ nhất định thôi. Việt Nam là nước có mức độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, là một trong những nước có kết quả về dự án y tế thành công nhất. Đối với cả mục tiêu phát triển thiên niên kỷ giai đoạn 2000-2015, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia duy nhất đã đưa ra và đạt được tất cả các chỉ số trong các mục tiêu này. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều người dân mong muốn có những dịch vụ y tế tốt hơn. Trong bối cảnh để Chính phủ dễ đạt được hệ thống y tế hiệu quả nhất, hiệu suất cao nhất- nội dung của Nghị quyết 20 về phương hướng và nhiệm vụ tiếp theo, đó chính là tăng cường hệ thống y tế cấp cơ sở, đào tạo ra những bác sĩ có năng lực, phù hợp với bối cảnh. Hiện nay chỉ có một số người có đủ khả năng sử dụng bệnh viện chứ không phải ai cũng tiếp cận được với dịch vụ đó, nếu chỉ tập trung nguồn lực đầu tư cho bệnh viện sẽ là sự lãng phí. Đặc biệt hệ thống y tế cần sắp xếp lại, từ các bệnh viện lớn nhỏ cho đến các cơ sở chăm sóc y tế ban đầu. WHO đã làm việc với Chính phủ Việt Nam để phát triển và ban hành Nghị quyết 20. Giờ đây, WHO sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam thi hành Nghị quyết này. WHO tin rằng, Nghị quyết 20 sẽ giúp chăm sóc sức khỏe trong tương lai tốt đẹp hơn.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin