Nguy cơ cao lây lan chủng vi rút cúm mới vào Việt Nam

Cập nhật: 1/2/2018 | 2:32:42 PM

Nước ta nằm trong "điểm nóng" của khu vực Đông Nam Á, hàng ngày diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, đi lại, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy nguy cơ lây lan các chủng vi rút cúm từ các nơi khác trên thế giới vào Việt Nam là rất lớn.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, tại Việt Nam, vi rút cúm A(H5N1) bắt đầu ghi nhận vào tháng 12/2003 trên các đàn gia cầm và ở người đã tạo nên các đợt dịch cúm gia cầm, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, thiệt hại cho công việc chăn nuôi của người dân.

Mặc dù tại Trung Quốc đã ghi nhận nhiều trường hợp cúm A(H7N9) với 5 đỉnh dịch xảy ra vào các tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, song Việt Nam, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, chưa ghi nhận trường hợp cúm A(H7N9) kể cả trên người và trên gia cầm. Nước ta cũng chưa ghi nhận trường hợp mắc cúm A(H5N6) ở người, cũng như chưa ghi nhận các ổ dịch cúm A(H5N8), cúm A(H5N2) trên cả gia cầm và người.

Chăm sóc điều trị cho trẻ mắc bệnh cúm tại khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN
Chăm sóc điều trị cho trẻ mắc bệnh cúm tại khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh: Nước ta nằm trong "điểm nóng" của khu vực Đông Nam Á, hàng ngày diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, đi lại, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy nguy cơ lây lan các chủng vi rút cúm từ các nơi khác trên thế giới vào Việt Nam là rất lớn. Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia; thiết lập hai Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay, hai Trung tâm này đều có khả năng xét nghiệm phát hiện các chủng vi rút cúm, kể cả chủng vi rút cúm có độc lực cao. Hiện chưa phát hiện chủng vi rút cúm mới, cũng như sự đột biến làm tăng độc tính hay gây kháng thuốc ở các chủng vi rút cúm lưu hành trên người tại Việt Nam và cũng chưa phát hiện các chủng vi rút lạ nào tại Việt Nam.

Để chủ động giám sát các chủng vi rút cúm A(H7N9) có nguy cơ xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức giám sát lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm và ở người tại một số tỉnh có nguy cơ cao, nơi tập trung buôn bán gia cầm. Kết quả giám sát từ năm 2013 đến nay chưa phát hiện chủng vi rút cúm A(H7N9) cả trên gia cầm và ở người.

Trước tình hình dịch bệnh có các diễn biến phức tạp trên thế giới, Bộ Y tế đã sớm ban hành và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2018; đồng thời chỉ đạo các địa phương tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh, tăng cường công tác truyền thông chủ động phòng chống dịch bệnh, sẵn sàng triển khai các hoạt động đáp ứng các tình huống dịch bệnh.


Văn phòng đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế (Văn phòng EOC) thường xuyên theo dõi, giám sát dịch bệnh trong nước, quốc tế, kịp thời tiếp nhận, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế cũng như các đơn vị liên quan trong nước để nhanh chóng cảnh báo về những nguy cơ dịch bệnh và tổ chức các hoạt động đáp ứng một cách nhanh nhất.

Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, các chủng vi rút cúm lây truyền từ gia cầm sang người trong dịp Tết, lễ hội và mùa xuân tới, người dân cần vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che mũi, miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng; chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.

Người dân nên hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh; không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm, thực hiện ăn chín, uống chín. Khi có biểu hiện của bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời và cách ly. Người mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người...

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin