Gia tăng tình trạng trẻ hoá người tiền đái tháo đường

Cập nhật: 5/12/2017 | 12:24:13 PM

Trước khi bị đái tháo đường (ĐTĐ) typ 2, hầu hết người bệnh đều trải qua giai đoạn tiền ĐTĐ (lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ để xác định đã mắc bệnh ĐTĐ). Qua Chương trình khám sàng lọc ĐTĐ mà Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện tại cộng đồng cũng như hoạt động khám, chữa bệnh tại một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh cho thấy, người tiền ĐTĐ, ĐTĐ đang dần trẻ hoá và xuất hiện ngày càng nhiều.

Số liệu giám sát của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trong năm 2017 tại xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên cho thấy, trong số 850 người được khám sàng lọc có 255 người phát hiện bị ĐTĐ typ 2; 114 người bị tiền ĐTĐ. Khám cho 600 người ở thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà thì có 93 người ĐTĐ typ 2 và 103 người tiền ĐTĐ. Dù đối tượng khám từ 45- 69 tuổi, nhưng qua các đợt khám cho thấy số người trẻ tuổi bị ĐTĐ ngày càng nhiều.

Lấy máu kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh.
Lấy máu kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Cũng như vậy, qua hoạt động khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy, số người phát hiện ĐTĐ, tiền ĐTĐ cũng ngày càng gia tăng. Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh quản lý khoảng 1.700 bệnh nhân ĐTĐ điều trị ngoại trú, còn Bệnh viện Bãi Cháy cũng đang quản lý ngoại trú khoảng 2.000 bệnh nhân. Số người tiền ĐTĐ, ĐTĐ xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó có nhiều bệnh nhân ở độ tuổi 30-45.

Theo bác sĩ Đoàn Thị Hạnh, Phòng khám Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, việc phát hiện tiền ĐTĐ rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ chuyển thành bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiền ĐTĐ và giai đoạn đầu của ĐTĐ, người bệnh không có dấu hiệu đặc trưng gì về sức khoẻ nên rất khó nhận biết mà chủ yếu được phát hiện tình cờ qua các đợt khám sức khoẻ hoặc phát hiện qua chương trình khám sàng lọc ĐTĐ do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện tại cộng đồng. Tỷ lệ ĐTĐ, tiền ĐTĐ thường rơi vào các trường hợp: Tăng huyết áp, thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực, đẻ con to trên 4kg... Bởi vậy, cách tốt nhất để phát hiện tiền ĐTĐ chính là khám sức khoẻ định kỳ, nhất là với những trường hợp yếu tố nguy cơ cao như đã nói ở trên. Việc phát hiện ngay ở giai đoạn tiền ĐTĐ sẽ giúp người mắc sớm điều chỉnh để lượng đường trong máu trở lại mức bình thường.

Cũng theo bác sĩ Đoàn Thị Hạnh, khi bị tiền ĐTĐ thì không điều trị bằng thuốc mà bác sĩ sẽ tư vấn giúp bệnh nhân thay đổi lối sống sinh hoạt, chế độ ăn uống... Nếu thực hiện tốt thì khoảng 3-6 tháng, người tiền ĐTĐ có lượng đường trong máu trở lại mức bình thường. Thực tế, 11 tháng năm 2017, tại Phòng khám Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và 3 phòng tư vấn sau sàng lọc ĐTĐ ở các địa phương: Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái cho thấy, trong tổng số 702 lượt người tiền ĐTĐ được tư vấn điều trị thì 53 trường hợp đã có lượng đường trong máu trở lại mức bình thường.

Hình ảnh bàn tay bị biến chứng do bệnh đái tháo đường (ảnh Internet).
Hình ảnh bàn tay bị biến chứng do bệnh đái tháo đường. (Ảnh: Internet)

Tuy nhiên, với trường hợp tiền ĐTĐ, nếu không chăm chỉ thực hiện chế độ tập luyện, điều chỉnh ăn uống, sinh hoạt phù hợp thì nguy cơ chuyển thành ĐTĐ typ 2 rất cao. Khi đã bị ĐTĐ, lượng đường trong máu cao lâu ngày sẽ khiến cho quá trình oxy hóa diễn ra mạnh mẽ, từ đó gây tổn thương tới các mạch máu và tế bào. Ở giai đoạn biến chứng, người bệnh có 4 dấu hiệu đặc trưng: Mệt mỏi, sút cân nhiều, uống nhiều, đái nhiều. Bệnh nhân ĐTĐ thường bị biến chứng: Tắc mạch vành tim, cao huyết áp, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. ĐTĐ còn gây tổn thương thần kinh ngoại biên khiến bệnh nhân bị tê bì, yếu cơ (dấu hiệu này thường hay xảy ra ở bàn chân, cụ thể là gây loét bàn chân), hoặc gây tổn thương thần kinh thực vật dẫn đến các biểu hiện loạn nhịp tim, da khô, tiêu chảy, táo bón, đại tiện không kiểm soát được, khô âm đạo ở nữ giới hay rối loạn cường dương ở nam giới...

Bác sĩ Đoàn Thị Hạnh cho rằng: “Khi đã chuyển từ giai đoạn tiền ĐTĐ sang ĐTĐ, bệnh nhân nhất thiết phải thay đổi lối sống, chịu khó vận động thể lực, ăn uống điều độ kết hợp với việc dùng thuốc để kiểm soát đường huyết. Bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc kiểm soát đường huyết suốt đời. Do đó, tốt nhất vẫn là phát hiện ngay từ khi còn bị tiền ĐTĐ để kịp thời điều chỉnh, tránh chuyển sang giai đoạn ĐTĐ bằng cách đi khám sức khoẻ định kỳ, kể cả với những người trẻ tuổi”.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin