Hà Nội còn hơn 32.600 trẻ chưa tiêm sởi, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch

Cập nhật: 3/11/2017 | 4:16:10 PM

Theo TS.BS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tổng số trẻ chưa tiêm phòng sởi sau 5 năm trên địa bàn Hà Nội là 32.634 trẻ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh khi mùa đông xuân đang đến gần.

Gia tăng trẻ mắc sởi

Tại Hội nghị tăng cường phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân khu vực phía Bắc 2017-2018 diễn ra sáng 3/11, TS. Cảm cho biết, từ đầu năm đến nay toàn thành phố đã ghi nhận 45 trường hợp mắc sởi, 1 ca tử vong.

Đặc biệt số ca bệnh tăng nhanh trong hai tháng 9 và 10; xuất hiện tại 40 xã phường của 21 quận huyện. Hiện nay bệnh sởi có xu hướng tăng trong các tuần gần đây, trung bình mỗi tuần ghi nhận 4-5 ca bệnh dương tính với sởi.

Bệnh sởi có xu hướng tăng trong những tuần gần đây. Ảnh minh họa.

 

TS. Trần Như Dương, Trưởng ban Quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc cho biết, tính đến tháng 10/2017, toàn miền Bắc đã ghi nhận 99 ca bệnh sởi, chủ yếu ở Hà Nội (chiếm gần 50% số ca mắc toàn miền Bắc), Hải Dương, Nghệ An... Tuy số ca mắc chưa cao, không có ổ dịch lớn nhưng đáng chú ý là địa bàn phân bố ca bệnh rộng, rải rác trên nhiều địa bàn nên việc phòng chống dịch cũng cần hết sức lưu ý.

Để ứng phó với bệnh sởi trên địa bàn Hà Nội, TS. Cảm cho biết, các lực lượng cộng tác viên, tổ trưởng dân phố và cán bộ y tế đã tiến hành rà soát đối tượng tiêm chủng trên toàn thành phố trong tháng 11/2017 (trẻ dưới 5 tuổi). Đồng thời tổ chức tiêm chủng bổ sung hàng tuần, tiêm chủng bổ sung cho đối tượng trẻ dưới 5 tuổi bị muộn, chậm so với lịch tiêm các vắc xin trong Tiêm chủng mở rộng. Thực hiện tiêm chủng thường xuyên hàng tuần tại các trạm y tế, mỗi tuần 1-2 ngày.

Tổ chức tiêm vắc xin bổ sung để chủ động phòng chống dịch

TS. Dương cho biết, đối với bệnh sởi, biện pháp quan trọng nhất để chủ động phòng bệnh là tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Nếu chúng ta lơ là công tác tiêm chủng thì nền miễn dịch trong cộng đồng giảm xuống, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại là có đến 43% số ca bệnh là trẻ dưới 9 tháng tuổi – đây là đối tượng chưa đển tuổi tiêm chủng đã mắc bệnh nên việc phòng bệnh là vô cùng khó khăn. Ngoài ra còn nhiều trẻ chưa được tiêm đủ mũi, hoặc chưa tiêm chủng rất dễ mắc bệnh.

TS. Dương khuyến cáo, để chủ động phòng chống bệnh sởi cần rà soát ngay các xã, thôn có tỉ lệ tiêm vắc xin sởi và MR thấp, tổ chức tiêm vắc xin bổ sung để chủ động phòng chống dịch, đạt tỉ lệ tiêm chủng 95% trở lên đối với vắc xin sởi và 90% trở lên đối với vắc xin MR.

Tiêm chủng là biện pháp chủ động phòng bệnh sởi tốt nhất. Ảnh minh họa.

 

Cần rà soát và tổ chức tiêm vét hàng tháng cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm vắc xin sởi, rubella. Tăng cường giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc sởi. Xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế mức thấp nhất số mắc và tử vong. Điều tra, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn thành phố và gửi mẫu bệnh phẩm, phiếu điều tra ca bệnh về Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương theo đúng quy định.

TS. Dương cũng khuyến nghị, tại những nơi có bệnh sởi, tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện triệt để việc cách ly bệnh nhân, phòng chống lây nhiễm trong các cơ sở điều trị cũng như tại cộng đồng.

Cần đẩy mạnh truyền thông về bệnh sởi và cách phòng bệnh để người dân chủ động phòng chống, đặc biệt về tầm quan trọng của việc đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi/sởi rubella đầy đủ, đúng lịch. Ngành y tế phối hợp cùng ngành giáo dục thông báo đển các trường trên địa bàn thành phố đặc biệt là các trường mẫu giáo, mầm non cách phát hiện, thông báo trường hợp sốt phát ban nghi sởi và triển khai các biện pháp vệ sinh phòng bệnh tại trường học, rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh để nhắc nhở phụ huynh đưa con đi tiêm phòng vắc xin sởi đầy đủ.

Lập kế hoạch, chuẩn bị sẵn sàng vắc xin, thuốc, vật tư, hóa chất, và dự trù kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để đáp ứng kịp thời cho công tác phòng chống dịch bệnh.

 

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, sởi là bệnh nhiễm virus đặc biệt nguy hiểm ở những trẻ em nuôi dưỡng kém hoặc bị bệnh lao. Sau mười ngày ở gần một trẻ bị sởi, trẻ bắt đầu có dấu hiệu của cảm sốt, sổ mũi, đau mắt đỏ và ho. Trẻ ngày càng ốm. Mồm có thể bị loét và có thể bị ỉa chảy. Sau 2 hay 3 ngày, một số nốt trắng như những hạt muối xuất hiện ở trong mồm. 1-2 ngày sau, những nổt ban xuất hiện - trước tiên ở sau tai và cổ, rồi nổi lên ở mặt, người và cuối cùng ở tay, chân. Sau khi ban nổi, trẻ thường có vẻ đỡ hơn. Ban kéo dài khoảng 5 ngày.

Trẻ bị bệnh cần nghỉ tại giường, uống nhiều chất lỏng, và cho thức ăn bổ. Đối với các cháu nhỏ không bú được, cho ăn sữa mẹ bằng thìa. Dùng thuốc hạ sốt và giảm ngứa. Nếu bị đau tai, dùng kháng sinh. Nếu thấy có dấu hiệu viêm phổi, viêm màng não, hoặc đau nhiều ở tai hoặc ở bụng, cần đi khám bệnh.

Đề phòng bệnh sởi, trẻ em bị sởi nên tránh không lại gần các trẻ em khác. Nên đặc biệt chú ý bảo vệ các em ăn uống thiếu thốn hoặc bị lao, hoặc bị những bệnh kinh niên khác. Trẻ em khỏe không nên đến các gia đình đang có người lên sởi. Trẻ em chưa mắc bệnh sởi trong một gia đình đang có bệnh sởi không được đi học hay đi đến các nơi đông người trong thời gian 10 ngày.

Muốn tránh cho trẻ em khỏi chết vì bệnh sởi. Cần cho trẻ ăn tốt. Cần tiêm chủng phòng bệnh sởi khi trẻ được 9 tháng tuổi.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin