Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

3 người tử vong do bạch hầu, Bộ Y tế yêu cầu khẩn cấp tiêm vắc xin bổ sung

Cập nhật: 7/7/2020 | 7:41:17 AM

Gần đây, Việt Nam phát hiện nhiều ca mắc bệnh hầu tại Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, TP HCM…, trong số này 3 người tử vong. Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin uốn ván-bạch hầu.

Từ đầu năm 2020, tại tỉnh Kon Tum ghi nhận rải rác 23 trường hợp mắc bạch hầu tại huyện Đắk Hà, Đắk Tô và Sa Thầy. Riêng từ ngày 27/6 đến ngày 2/7 đã có 14 trường hợp tại xã Diên Bình (Đắk Tô), thị trấn Sa Thầy, xã Ya Xiêr (Sa Thầy). Các trường hợp đều là người đồng bào dân tộc.

Bệnh bạch hầu là bệnh lây lan rất mạnh, diễn biến cấp tính, có thể gây biến chứng nặng và tử vong. Vì thế, Bộ Y tế có công văn yêu cầu Kon Tum tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu.

3 người tử vong do bạch hầu, Bộ Y tế yêu cầu khẩn cấp tiêm vắc xin bổ sung - 1

Người dân được uống thuốc điều trị dự phòng bạch hầu bằng kháng sinh.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở Y tế triển khai công tác kiểm soát dịch bệnh tại các ổ dịch bạch hầu, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, ổ dịch mới phát sinh. Đồng thời cách ly các trường hợp mắc, thực hiện vệ sinh môi trường, khử khuẩn, xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài. 

Bên cạnh đó, tổ chức điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần và có nguy cơ. Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất số biến chứng nặng và tử vong. 

Xác định nhóm đối tượng trong độ tuổi có nguy cơ, tổ chức tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu tại khu vực ổ dịch; rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm chưa đầy đủ để tiêm bổ sung, đảm bảo đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% ở tất cả các xã, phường, thị trấn. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện tiêm bổ sung vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều.

UBND tỉnh cũng cần chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai vệ sinh phòng bệnh trường học, lớp học, nhà trẻ. Tổ chức theo dõi sức khỏe của trẻ em tại các trường mầm non, trường tiểu học và trung học cơ sở, thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh (sốt kèm theo đau họng, ho hoặc khàn tiếng).

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với tăng cường truyền thông với ngôn ngữ phù hợp với đồng bào dân tộc về các khuyến cáo phòng chống bệnh, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, lợi ích của việc tiêm vắc xin.

UBND tỉnh cũng cần tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh; tập trung các biện pháp để chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu.

Bệnh bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo. 

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Biến chứng bệnh bạch hầu dễ gây suy hô hấp và tuần hoàn, liệt khẩu làm thay đổi giọng nói, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn. Nặng thì hôn mê, sau đó tử vong.

(Nguồn: dantri.com.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014