Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Cách thay đổi thói quen ngủ của trẻ

Cập nhật: 30/10/2022 | 8:05:00 AM

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng thể chất mà còn gây ra những hệ lụy về trí tuệ của trẻ. Chính vì thế, việc điều chỉnh giấc ngủ cho trẻ rất quan trọng.

Rối loạn giấc ngủ, thiếu ngủ có thể gây ra nhiều ảnh hưởng lâu dài tới trẻ nhỏ. Ảnh: iStock.

Việc thay đổi thói quen ngủ không diễn ra trong một sớm một chiều, nhưng phụ huynh nên bắt đầu nó từng bước để dần mang lại sự thay đổi. Chúng ta cần đảm bảo rằng trẻ em có đủ ánh sáng tự nhiên và tập thể dục trong ngày, hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử, tạo môi trường ngủ thích hợp và thiết lập thói quen ngủ lành mạnh.

Ngoài ra, phụ huynh cần tránh thỏa hiệp với trẻ về giờ đi ngủ, sử dụng nó như hình phạt/thưởng hoặc cho trẻ ăn bất kỳ món gì chứa đường, caffeine vào cuối ngày.

Dưới đây là những cách giúp thay đổi thói quen ngủ muộn của trẻ.

Tạo không gian phù hợp

Một trong những cách dễ nhất để giúp giấc ngủ ngon hơn là tạo sự thoải mái không gian như phòng ngủ tối hoặc ánh sáng yếu, không quá nóng hoặc quá lạnh và yên tĩnh. Trong trường hợp những yếu tố này không thể đáp ứng, bạn có thể sử dụng tiếng ồn trắng để trẻ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Ngoài ra, đệm và gối phải thoải mái, có kích thước phù hợp và không nên có quá nhiều hoặc quá ít chăn.

Theo nhà giáo dục lâm sàng về giấc ngủ Terry Cralle, tại Washington, Mỹ, cha mẹ nên khuyến khích trẻ đưa quan điểm khi thực hiện những thay đổi để chúng cảm thấy mình có quyền lựa chọn. Cha mẹ nên nói rõ giờ đi ngủ là không thể thương lượng, nhưng những thứ khác là có thể. Ví dụ, trẻ có thể chọn đồ ngủ mới hoặc gối ôm khác.

“Nếu chúng ta tiếp cận theo cách này, nó sẽ cho phép trẻ làm chủ giấc ngủ và cảm thấy thoải mái hơn", bà Cralle nói thêm.

Đặt giờ giới nghiêm với các thiết bị điện tử

Một trong những trở ngại lớn nhất để không chỉ trẻ em mà cả người lớn ngủ đủ giấc là nghiện thiết bị điện tử. Theo The National Sleep Foundation, việc sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ, đặc biệt là màn hình nhỏ áp sát mặt sẽ cản trở giải phóng melatonin - hormone giúp chúng ta ngủ ngon và ngủ sâu. Nguyên nhân là ánh sáng xanh do thiết bị điện tử phát ra có tác động tương tự caffeine.

Khó có thể cấm trẻ sử dụng thiết bị điện tử, song, cha mẹ nên đặt giờ giới nghiêm. Từ một đến 2 giờ trước khi ngủ, trẻ không được sử dụng điện thoại, tivi, máy tính bảng. Đặc biệt, các thiết bị này phải là vật bị cấm trong phòng ngủ. Ngoài ra, chúng ta nên sử dụng đồng hồ báo thức thay cho điện thoại báo thức.

Các thiết bị điện tử là kẻ thù của giấc ngủ, khiến trẻ ngủ trễ, thiếu ngủ, kém tập trung. Ảnh: Freepik.

Tạo thói quen lành mạnh vào ban đêm

Những thói quen tốt trước khi đi ngủ cũng khá hữu ích. Nó giúp chúng ta thư giãn và cho cơ thể biết đã đến giờ đi ngủ. Với nhiều trẻ, những thói quen này gồm tắm dưới vòi hoa sen, đọc sách hoặc nghe nhạc thư giãn.

Theo bà Cralle, trẻ em nên được khuyến khích thảo luận về những điều tích cực đã xảy ra vào ngày hôm đó. “Bất cứ điều gì để kết thúc một ngày và liên kết tới giờ ngủ tích cực cũng là điều rất điều vời. Nó thực sự sẽ thay đổi quan điểm chung của chúng ta về toàn bộ việc ngủ", bà nói.

Chuyên gia cũng khuyên bạn nên tuân thủ một giờ đi ngủ cố định mỗi đêm. Điều này giữ cho đồng hồ sinh học vào quy củ, các cơ quan hoạt động trong giấc ngủ hiệu quả hơn.

Làm gương

Ngoài những điều trên, phụ huynh nên làm gương cho con thay vì chỉ nói "hãy ngủ sớm". Sắp đến giờ đi ngủ, cha mẹ cần dành thời gian cho trẻ, đặt các thiết bị điện tử xuống và trò chuyện với con nhiều hơn. Đó cũng là cách kết nối cha mẹ và con cái.

Nếu nghi ngờ con bị rối loạn giấc ngủ, phụ huynh nên nói chuyện với bác sĩ nhi hoặc chuyên gia. Trường hợp này tương đối hiếm, dưới 5% trẻ em bị rối loạn giấc ngủ. Song, nó gây ra những hệ lụy kéo dài.

Biểu hiện của trẻ bị rối loạn giấc ngủ theo nhiều kiểu khác nhau như có cơn ngừng thở ngắn kèm ngáy khi ngủ, giật cơ khi ngủ, ngủ ngày quá nhiều, các cử động chân tay có tính chu kỳ, mê man, mất ngủ, cơn hoảng sợ ban đêm... trong số đó cơn mê man và cơn hoảng sợ ban đêm gặp khá phổ biến.

Ngoài ra, cha mẹ có thể tăng cường vận động cho trẻ nếu con phải làm bài tập quá nhiều. Các bài tập luyện nên diễn ra vào buổi sáng sớm, để tăng trao đổi chất, giúp trẻ ngủ ngon và sâu hơn.

Theo các chuyên gia, vấn đề trẻ thiếu ngủ không phải vì chúng lười biếng. Cha mẹ cần dựa trên tâm sinh lý của các em để đưa ra phương án phù hợp. Ngủ đủ giấc đi kèm chế độ ăn uống, tập luyện lành mạnh sẽ giúp các bé nâng cao thành tích học tập, phát triển.

(Nguồn: zing.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014