Dấu hiệu phân biệt bệnh hen và viêm đường hô hấp ở trẻ em

Cập nhật: 11/12/2020 | 7:50:18 AM

Tỷ lệ mắc bệnh hen ở trẻ là 10%, cao gấp đôi so với người lớn. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh tái phát nhiều lần, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và sự phát triển của các bé.

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy- Trưởng Bộ môn Nhi - Trường Đại học Y Hà Nội, bệnh hen không chỉ có một nguyên nhân đơn thuần mà có phối hợp nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ví dụ: Gia đình có người mắc hen thì trẻ có nguy cơ cao bị hen hoặc do môi trường ô nhiễm, do lối sống như chế độ ăn quá nhiều đạm, hay tình trạng dị ứng trong cộng đồng ngày càng cao thì tỉ lệ mắc hen càng cao. Bệnh hen ở trẻ tiến triển theo tình trạng hormone, nghĩa là trong 5 năm đầu đời, trẻ rất dễ mắc hen và bệnh sẽ thuyên giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, sau tuổi dậy thì, ở một số trường hợp, bệnh sẽ giảm đi nhưng bệnh lại tiến triển thành hen mạn tính ở một số trường hợp khác.

Tỷ lệ mắc hen ở trẻ cao gấp đôi người lớn (Ảnh minh họa: KT)
Tỷ lệ mắc hen ở trẻ cao gấp đôi người lớn (Ảnh minh họa: KT)

Việc chẩn đoán hen ở trẻ em thường bị chậm trễ do dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.  Theo PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy: Dấu hiệu đầu tiên để nhận biết hen là trẻ không sốt hoặc sốt nhẹ nhưng đột nhiên khó thở, khò khè, tái đi tái lại khoảng 3 lần trong một năm hoặc trẻ khó thở sau khi vận động mạnh.

Cơn hen thường xuất hiện về đêm và sáng, còn ban ngày trẻ ổn định, bình thường. Khi mắc bệnh viêm đường hô hấp, trẻ thường bị ho, sổ mũi, hắt hơi, viêm họng, viêm amidan hoặc viêm tai giữa, thậm chí sốt cao nhưng bệnh thường diễn biến cấp tính trong vòng 5 -7 ngày sẽ khỏi và không tái lại nhiều lần.

Hen phế quản ở trẻ khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Song, nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị thì có thể kiểm soát được bệnh. Hen phế quản là một bệnh mạn tính nên phải xác định điều trị lâu dài, cần sự kiên trì và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với bác sĩ. Việc dùng thuốc điều trị hen tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng trẻ và dùng loại nào, khi nào dừng sẽ do bác sĩ quyết định.

Ngoài việc dùng thuốc để kiểm soát bệnh hen, cha mẹ cũng chú ý tránh các yếu tố dễ gây khởi phát cơn hen cấp tính như giữ cho nhà cửa sạch sẽ, tránh khói bụi, phấn hoa hoặc lông chó mèo. Trẻ mắc hen vẫn có thể đi học và sinh hoạt bình thường và có thể chơi một số môn thể thao nhẹ nhàng. Tuy nhiên, chú ý khởi động kỹ hoặc dùng thuốc giãn phế quản trước khi vận động.

PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy khuyến cáo, thời tiết mùa đông – xuân là yếu tố thuận lợi dễ dẫn đến bùng phát cơn hen cấp tính. Các bậc cha mẹ nên chú ý giữ ấm cho trẻ, luôn nhắc trẻ đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và tuân thủ việc điều trị thật tốt.

Tại BV Đại học Y Hà Nội đã thành lập Câu lạc bộ Hen nhi khoa, các bố mẹ có con mắc hen có thể tham gia câu lạc bộ này để bổ sung kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc con.

 

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin