8 tuyệt chiêu làm mát cơ thể ngày hè

Cập nhật: 20/6/2022 | 9:30:26 AM

Nắng nóng có thể khiến thân nhiệt cơ thể tăng hơn so với bình thường. Hãy làm mát cơ thể bạn trong ngày hè bằng 8 cách sau.

Cơ thể phản ứng với những thay đổi bên trong và bên ngoài. Nhiệt độ thông thường của cơ thể khoảng 37 độ C, tuy nhiên có thể tăng thêm 0,5 độ C thành 37,5 độ C tùy vào thời điểm trong ngày. Nhiệt độ trung bình của cơ thể cũng có thể đôi chút chênh lệch ở người này so với người kia.

Sau khi hoạt động thể chất căng thẳng hoặc trong một ngày nắng nóng, thông thường thân nhiệt của chúng ta sẽ cao hơn bình thường một chút. Tuy nhiên, nếu nhiệt độ cơ thể lên tới trên 38 độ C thì là dấu hiệu của sốt.

Đi bơi hoặc ra biển là một trong những cách làm mát cơ thể ngày hè.

Nhiệt độ bên ngoài trời nắng nóng, cường độ hoạt động thể chất có thể dẫn tới sốt. Thậm chí, một vài đơn thuốc điều trị của bệnh nhân mạn tính trong ngày nắng nóng cũng có thể khiến thân nhiệt cao hơn bình thường.

Cách hạ nhiệt cơ thể

Có thể hạ nhiệt cơ thể bằng 2 cách: từ bên trong hoặc bên ngoài.

Nhảy xuống bể bơi là một ví dụ về cách làm mát từ bên ngoài, trong khi uống nước lạnh có thể giúp giải nhiệt từ bên trong.

Cơ thể của chúng ta luôn điều hòa thân nhiệt, và có thể hạ nhiệt theo 4 cách khác nhau như sau:

- Đổ mồ hôi

- Giải phóng nhiệt lượng ra không khí xung quanh

- Đối lưu: xảy ra khi có luồng khí mát xung quanh

- Dẫn truyền nhiệt: đó là nhiệt lượng của cơ thể được "hạ hỏa" nhờ nước mát hay nước đá.

Mẹo làm mát cơ thể mùa hè

Một vùng trong não bộ được gọi là hypothalamus (vùng dưới đồi) có chức năng điều hòa thân nhiệt. Vùng dưới đồi ở não bộ này sẽ kiểm tra thân nhiệt của cơ thể so với mức thân nhiệt bình thường và rồi điều chỉnh trở lại.

Khi cơ thể quá nóng, sự điều chỉnh thân nhiệt trở về mức bình thường được thực hiện qua đổ mồ hôi để cơ thể trở nên mát hơn.

Sau đây là 8 mẹo giúp bạn làm mát cơ thể vào những ngày hè nóng nực:

1. Uống đồ mát

Uống nước mát như trà đá, nước để trong tủ lạnh, các loại sinh tố, nước ép có đá hay để mát trong tủ lạnh có thể làm mát cơ thể từ bên trong. Thường xuyên uống nước cũng ngăn ngừa tình trạng khát hoặc mất nước, bởi tình trạng này có thể làm tăng thân nhiệt.

Mùa hè, hãy uống các loại trái cây sinh tố để giải nhiệt cơ thể.

2. Vào nơi có không khí mát mẻ hơn

Chúng ta cũng có thể giảm tình trạng tăng thân nhiệt nhờ vào việc vào vùng không khí mát mẻ hơn, lúc này cơ thể trở nên mát hơn nhờ tình trạng đối lưu. Vì vậy, vào nơi có bóng râm, vào nơi có điều hòa hoặc quạt, sẽ giảm bớt tình trạng tăng thân nhiệt, "hạ hỏa" cho cơ thể.

3. Dùng nước để làm mát (đi bơi, rửa mặt)

Đi bơi, hoặc té nước mát, rửa tay chân mặt mũi với nước máy có thể giúp làm mát cơ thể. Giống như trên sân cỏ, các cầu thủ thường ngoài đổ chai nước lên mặt để làm mát.

4. Dùng đá lạnh để chườm lên một số chỗ trên cơ thể

Dùng nước mát hoặc đá xát vào một số vị trí trên cơ thể nơi có những mạch máu gần bề mặt da, chẳng hạn như khuỷu tay, cổ, ngực, thái dương có thể nhanh chóng hạ nhiệt cho những mạch máu chạy qua những huyệt này. Do đó mà cơ thể sẽ mát hơn, tránh được tình trạng sốc nhiệt.

5. Giảm vận động mạnh

Cơ thể tỏa nhiệt khi vận động. Trong thời tiết nắng nóng, cơ thể chúng ta sẽ bớt cảm thấy nóng hơn nếu tránh các hoạt động thể chất nặng.

6. Mặc chất liệu mềm mát, dễ thấm hút mồ hôi

Nhiệt có thể dễ dàng truyền qua một vài chất liệu vải vóc so với số khác. Vải vóc có chất liệu tự nhiên, như cotton và lanh sẽ giúp cơ thể tỏa nhiệt vào môi trường hơn là các chất vải tổng hợp (pha nylon), và do đó cơ thể sẽ mát hơn.

7. Dùng những loại thực phẩm giải nhiệt cơ thể

Một vài loại thảo mộc như dầu hoa anh thảo hoặc thiên ma hiệu quả trong việc giảm chứng "bốc hỏa" ở người mãn kinh và tiền mãn kinh, cũng như trên người bình thường nói chung.

Vào mùa hè, bạn nên ăn các loại trái cây có tính mát như rau má, nhân trần, atiso, trái cây họ cam quýt, bí đao, bạc hà, mướp đắng, sữa chua, cà chua, dưa chuột. Không chỉ cung cấp đủ vitamin để tăng cường miễn dịch chống chọi với nắng hè, những thực phẩm này còn rất ngon miệng, giàu dưỡng chất, giúp bạn khỏe mạnh.

8. Tư vấn bác sĩ về sức khỏe tuyến giáp

Đôi khi, thân nhiệt tăng có thể do tuyến giáp hoạt động quá mức. Trong trường hợp này, người bệnh cũng nên để ý tới một số triệu chứng khác như nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi, vàng da và lú lẫn.

Khi nghi ngờ mắc bệnh tuyến giáp, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin