Giảm cân bằng đồ uống

Cập nhật: 15/10/2020 | 8:02:13 AM

Kết hợp nhiều loại trái cây và rau củ ít năng lượng như dứa, chanh, cà chua, bưởi để giảm cân; cảnh giác khi uống detox "thải độc nhanh".

Phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị Nhung, Trưởng khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết đồ uống hỗ trợ giảm cân làm từ trái cây, rau củ được nhiều người lựa chọn. Bạn có thể kết hợp nhiều loại trái cây hoặc rau củ ít năng lượng, nhiều vitamin và khoáng chất, giúp tiêu hóa thức ăn, giảm cảm giác đói và tăng chuyển hóa chất béo.

Nước uống ít năng lượng có thể dùng trong bữa phụ để giảm cảm giác đói như nước ép dứa kết hợp với nước cốt chanh và bột quế Ceylon cung cấp vi khoáng, hạn chế sự thèm ăn, tăng khả năng miễn dịch, tạo cảm giác no.

Nước chanh cung cấp ít năng lượng, nhiều vi khoáng giúp chuyển hóa chất béo. Bạn có thể uống nước chanh muối hàng ngày.

Nước ép cà chua, nước ép bưởi giàu vitamin C. Enzym trong bưởi giúp cơ thể giảm mỡ thừa hiệu quả và lành mạnh. Dưa chuột cũng chứa rất nhiều nước, giàu hàm lượng chất xơ và khoáng chất, lượng vitamin phong phú. Nước ép dưa chuột cung cấp lượng vi khoáng lớn, bạn sẽ không cảm thấy đói bụng, giảm cảm giác thèm ăn, giảm cân hiệu quả.

Ngoài ra bạn có thể uống nước ép rau củ hỗn hợp, nước trà xanh, nước hạt chia. Đặc biệt, hạt chia nhiều khoáng chất như canxi, omega, sắt, ít chất béo và năng lượng nên có thể sử dụng vào bữa phụ. Pha hạt chia vào nước ấm sẽ nở ra tạo thành một hỗn hợp có gel bao quanh, dễ uống.

Hạn chế ăn loại quả nhiều đường như xoài, bơ, sầu riêng...

"Tuy nhiên, bạn phải kết hợp chế độ ăn và luyện tập để việc giảm cân hiệu quả mà không ảnh hưởng đến sức khỏe", tiến sĩ Nhung nhấn mạnh.

Tiến sĩ khuyên bạn cảnh giác với phương pháp detox liệu trình từ 5 đến 15 ngày để thải độc giảm cân nhanh. Lý do là cơ thể người khỏe mạnh có thể tự thải độc hàng ngày mà không cần áp dụng phương pháp thanh lọc.

Đồ uống detox có thể giảm cân nhưng cũng gây những ảnh hưởng xấu cho sức khỏe và nguy cơ tăng cân nhanh trở lại khi ngừng sử dụng. Một số người kết hợp đồ uống detox với thực phẩm cung cấp chất đạm để chống đói gây rối loạn chuyển hóa lipid máu. Dùng lâu dài có thể làm tăng axit uric và ảnh hưởng chức năng thận.

Giảm cân đột ngột dễ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, kiệt sức, chóng mặt, hạ đường huyết..., thậm chí gây mất cân bằng điện giải, mất cơ bắp và tăng cân trở lại.

Bác sĩ khuyến cáo, từ 35 tuổi trở lên cơ thể sẽ tăng tích khối mỡ và giảm khối nạc, nếu không tăng cường luyện tập sẽ tăng nguy cơ thừa cân béo phì. Phương pháp an toàn nhất là giảm năng lượng bằng cách ăn từ từ 200-300 kcal một ngày và tăng cường hoạt động thể lực.

Không dùng đồ uống giàu năng lượng như nước ngọt có ga hoặc không ga, nhiều đường. Một chai nước ngọt 500 ml cung cấp 250-300 kcal và 50-60 g đường. Một cốc bia 330 ml cung cấp 141 kcal cho cơ thể. Ca cao, sữa nguyên kem, chocolate sữa nóngtrà sữa... nhiều năng lượng, chất béo và đường gây tăng cân, cần hạn chế.

Điều tra của Viện Dinh dưỡng giai đoạn 2017-2018 với 5.000 học sinh từ 75 trường phổ thông, cho thấy tỷ lệ thừa cân, béo phì chung ở học sinh là 29%. Tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 18%; thành thị 42% và đang có xu hướng tăng lên. Hơn 28% người thiếu hoạt động thể lực, tức là có dưới 150 phút trong tuần hoạt động thể lực cường độ trung bình.

Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, ăn rau, củ, trái cây, bổ sung vi chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực để phòng thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây.

(Nguồn: vnexpress.net)

In bản tin