Đặc điểm dịch tễ học của vụ dịch sốt xuất huyết Dengue tại huyện miền núi khu vực phía Bắc Việt Nam

Cập nhật: 11/10/2011 | 7:47:25 AM

Tỉnh Hà Tĩnh là địa bàn trọng điểm SXHD của khu vực miền Bắc với 14 huyện đồng bằng và 03 huyện miền núi. Khí hậu tại đây khắc nghiệt với nắng nóng trung bình trên 35oC, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXHD lưu trú và phát triển. Bệnh SXHD thường xuất hiện vào mùa mưa từ tháng 8-10 hàng năm. Hương Khê là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam của tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2010, huyện đã ghi nhận dịch SXHD đầu tiên.

Dịch xuất hiện ngày đầu tiên là ngày 31/8/2010 đã ghi nhận 19 trường hợp mắc SXHD theo định nghĩa, trong đó 100,0% các trường hợp mắc SXHD thể nhẹ. Trường hợp mắc chủ yếu ở lứa tuổi dưới 15 tuổi, chiếm 59,0%, cả trẻ lớn và người lớn chiếm 41,0% so với tổng số. Dấu hiệu lâm sàng thường gặp nhất là sốt, đau mỏi cơ và phát ban. Thời gian ủ bệnh của SXHD trung bình là 5-6 ngày. Bởi vì, đỉnh dịch thứ 2 xuất hiện sau 5 ngày (ngày 4/9/2010), thứ 3 là 6 ngày (ngày 10/9/2010), thứ 4 là 6 ngày (16/9/2010)). Xu hướng bệnh giảm dần sau ngày đầu tiên xuất hiện dịch chứng tỏ các biện pháp can thiệp như phun hoá chất diệt muỗi trưởng thành, điều trị bệnh nhân kịp thời, cách ly với người lành,  xử lý môi trường đã cho thấy có hiệu quả. Tuy nhiên, tổng số thời gian kéo dài của vụ dịch là 28 ngày cho thấy các biện pháp xử lý ổ dịch ở đây chưa được triển khai quyết liệt ngay từ đầu kể từ khi ổ dịch được xác định.
 
          Ngày 06/9/2010, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiến hành lấy 3 mẫu máu của bệnh nhân bắt đầu sốt từ ngày 05/9/2010 và được xét nghiệm RT-PCR, kết quả cả 3 mẫu đều dương tính với vi rút dengue, trong đó xác định được 01 mẫu DENV-1 và 02 mẫu DENV-2. Cùng với việc lấy mẫu máu để làm xét nghiệm, ngày 06/9/2010, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tiến hành điều tra ngẫu nhiên 50 hộ gia đình tại nơi xảy ra dịch của thị trấn Hương Khê phát hiện loài muỗi Ae.albopictus chiếm ưu thế hơn loài muỗi Ae.aegypti. Cụ thể, 100% nhà điều tra đều phát hiện thấy sự có mặt của muỗi Ae.albopictus, trong khi chỉ có 4,0% (2/50) nhà phát hiện có muỗi Ae.aegypti. Hơn nữa, điều tra bọ gậy cho thấy có 80% số nhà điều tra có bọ gậy của muỗi Ae.albopictus. Chỉ số Breteau của bọ gậy Ae.albopictusrất cao (92). Chỉ số mật độ muỗi Ae.albopictus là 0,63 con/nhà. Các chỉ số Breteau (BI) và chỉ số mật độ muỗiAe.albopictus đều vượt ngưỡng gây dịch Tuy nhiên các chỉ số này được điều tra vào ngày trước khi tiến hành chiến dịch vệ sinh môi trường, chiến dịch diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất. Điều này cho thấy tại khu vực Miền Bắc, ngay cả Miền Núi vẫn có khả năng tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch SXHD.

          Điều tra ổ bộ gậy nguồn cho thấy chủng loại dụng cụ chứa nước tại thị trấn Hương Khê rất đa dạng. Có 6 loại DCCN có bọ gậy đã được phát hiện. Đa số bọ gậy thu thập được là Ae.albopictus, chiếm 98.5% (3.319/3.369 con bọ gậy). Trong số 298 DCCN được kiểm tra, có 44 DCCN có bọ gậy. Tỷ lệ nhiễm chung là 18,0%. Bọ gậy tập trung cao nhất ở dụng cụ phế thải, chiếm tỷ lệ 59,1%; bể chứa nước dưới 500 lít là 29,4%; lốp xe (5,5%); chum vại (4,5%). Một số DCCN khác có số lượng bọ gậy thấp hơn như  lọ hoa, chậu cảnh. Vai trò truyền bệnh SXHD của Ae.albopitusđã được khẳng định tại nhiều nước thuộc khu vực Châu Á. Tuy vậy theo ghi nhận của Dự án SXHD khu vực Miền Bắc chỉ có rất ít ổ dịch xuất hiện mà ở đó chỉ có mặt của loài Ae.albopitus. Hiện nay, nhiều địa phương có sự lưu hành của loài Ae.albopitus với mật độ cao trong nhiều năm tại một số tỉnh miền núi phía bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Cao Bằng, Lào Cai... nhưng chưa có thông báo hoặc chỉ có một vài ca bệnh SXHD lâm sàng xảy ra rải rác. Do đó, trong quá trình đô thị hoá và gia tăng giao lưu của con người hiện nay, dịch SXHD có thể xuất hiện và lan rộng đến những vùng núi, vùng cao nguyên biên giới phía bắc.

Kết luận

          Tổng số bệnh nhân lâm sàng ghi nhận là 146 trường hợp. Thời gian ủ bệnh của SXHD trung bình là 5-6 ngày. Có 3/146 trường hợp được xét nghiệm RT-PCR và đều cho kết quả dương tính (trong đó có 01 DENV-1 và 02 DENV-2). Dịch SXHD cho thấy có thể xuất hiện và lan rộng ở những khu vực miền núi, vùng cao nguyên biên giới phía bắc nước ta. Điều tra véc tơ truyền bệnh SXHD trong vụ dịch, quần thể muỗi Ae.albopictus chiếm ưu thế hơn loài muỗiAe.aegypti. Chỉ số Breteau của bọ gậy Ae.albopictus là 92. Chỉ số mật độ muỗi Ae.albopictus là 0,63 con/nhà. Các chỉ số Breteau (BI) và chỉ số mật độ muỗi Ae.albopictus vượt ngưỡng gây dịch. Dụng cụ phế thải (59,1%); bể chứa nước dưới 500 lít (29,4%) là dụng cụ nguồn của loài Aedes albopictus.

          Việc tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mới mắc tại cộng đồng để kịp thời bao vây và xử lý ổ dịch là cần thiết trong công tác phòng chống SXHD. Đặc biệt, khi có dịch SXHD xảy ra cần tích cực điều tra véc tơ truyền bệnh, thu thập muỗi của cả hai loài Ae.aegypti  Ae.albopitus để phân lập vi rút.

(Nguồn: nihe.org.vn)

In bản tin