Cúm A bùng phát, chăm sóc bệnh nhân tại nhà như thế nào?

Cập nhật: 28/7/2022 | 9:10:25 AM

Ca mắc cúm A gia tăng, nhiều người đau ê ẩm người, sốt cao 30-40 độ... nhưng không phải ai cũng cần nhập viện. Bác sĩ khuyến cáo, cúm A cơ bản nhất là chăm sóc tại nhà, phòng lây lan sang người khác.

7 dấu hiệu nhận diện bệnh cúm

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.

Cúm là căn bệnh lây lan rất nhanh, do lây qua đường hô hấp, thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Tại Hà Nội những ngày qua, nhiều gia đình cả nhà mắc bệnh do cúm lây lan nhanh.

Các dấu hiệu nhận biết cúm:

- Sốt hoặc cảm thấy sốt, ớn lạnh. Đặc biệt trong đợt dịch này, nhiều bệnh nhân cúm sốt cao li bì, 39-40 độ C.

- Ho

- Viêm họng

- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

- Đau cơ, đau khắp người

- Đau đầu, mệt mỏi

- Một số bệnh nhân có thể nôn mửa và tiêu chảy

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Vì thế, việc chăm sóc tại nhà, theo dõi diễn biến bệnh để phát hiện kịp thời các dấu hiệu trở nặng rất quan trọng.

Đối phó với sốt cao, đau ê ẩm người như thế nào?

Trong đợt dịch này, nhiều bệnh nhân cúm sốt cao, 39-40 độ C.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nỗi khổ của người bị cúm, đó là cảm thấy người đau mỏi, sốt, sổ mũi, ho, người mệt mỏi khó chịu. Vì những triệu chứng này, người bệnh cảm thấy rất nặng nề, mệt mỏi, mất hết năng lượng. Tuy nhiên, phần lớn các triệu chứng này dần thoái lui, 80-90% bệnh nhân cúm không phải nhập viện điều trị, bệnh tự khỏi.

Khi sốt trên 38,5 độ C, hãy uống thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng. Thuốc sẽ giúp hạ sốt, giảm đau mỏi người. Tuy nhiên, đừng chỉ phụ thuộc vào thuốc để hạ sốt, hãy uống thật nhiều nước. Tốt nhất pha oresol theo khuyến cáo, uống thay nước lọc trong ngày (từ 1,5-2 lít nước), uống nước dừa, nước trái cây, ăn nhiều đồ loãng như cháo, súp... sẽ hỗ trợ hạ sốt rất tốt.

Bên cạnh đó, sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng như ho (dùng thuốc ho), ngạt mũi, sổ mũi thì rửa muối biển, nhỏ thuốc chống ngạt mũi.

Cần ở phòng riêng để tránh lây nhiễm

BS Trương Văn Quý, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện E khuyến cáo, bệnh nhân cúm A nên được chăm sóc, cách ly tại phòng riêng để tránh lây nhiễm cho người thân trong gia đình.

Các loại rác thải như giấy ăn để lau mũi, khạc nhổ... cần để trong túi rác riêng, buộc kín để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

Bệnh nhân cúm cũng cần thường xuyên rửa tay, hạn chế làm virus bám vào các vật dụng như tay nắm cửa, cầu thang... có thể lây truyền cho người khác.

Không tự ý uống thuốc kháng virus, Tamiflu

Dịch cúm đang gia tăng lại Hà Nội, nhiều người lùng sục thuốc Tamiflu, tự ý uống. PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc BV Nhi Trung ương cảnh báo thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Vì thế, khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này, không nên tự ý mua thuốc về chữa cúm.

Việc tùy tiện dùng thuốc Tamiflu, nhất là đối tượng trẻ em có thể gây hậu quả virus kháng thuốc, ngoài ra còn làm cho thị trường chợ đen lũng đoạn, đẩy giá Tamiflu lên cao, gây tâm lý hoang mang lo ngại không cần thiết, ảnh hưởng đời sống của người dân.

Theo hướng dẫn điều trị cúm của Bộ Y tế Việt Nam, cũng như các hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới và CDC đều khuyến cáo điều trị thuốc kháng virus Tamiflu chỉ được chỉ định khi có biến chứng nặng hoặc có nguy cơ cao như trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch…

Với các trường hợp còn lại, chỉ điều trị triệu chứng, nghỉ ngơi, cách ly phòng lây nhiễm, sau vài ngày sẽ tự khỏi và không có biến chứng.

Dù bệnh cúm lành tính, nhưng ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già (> 65 tuổi), trẻ em (< 5 tuổi) và phụ nữ có thai bệnh có thể diễn biến gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong. Vì vậy, việc theo dõi diễn biến bệnh là rất quan trọng.

Nếu thấy cúm biểu hiện các triệu chứng có dấu hiệu nặng lên, có biểu hiện viêm phổi cần phải nhập viện, bởi cúm có thể gây các biến chứng thứ phát như viêm xoang, viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng.

Vì thế, các trường hợp cúm có kèm theo các yếu tố nguy cơ nên được nhập viện để theo dõi và bác sĩ là người quyết định có điều trị sớm bằng thuốc kháng virus. Việc theo dõi dấu hiệu bệnh là vô cùng quan trọng.

Theo đó, hãy đưa bệnh nhân cúm đến viện khi sốt cao liên tục, khó hạ, kém đáp ứng thuốc hạ sốt; Xa cơ sở y tế, không có người chăm sóc, theo dõi tại nhà; Bệnh nhân cúm có các bệnh nền, có biểu hiện nặng lên, khó thở, biến chứng viêm phổi...

Để phòng chống cúm, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan; khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang.

Các biện pháp như tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh. Đặc biệt, người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng bệnh cúm.

Việc tiêm phòng đặc biệt có ý nghĩa với nhóm có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như nhân viên y tế; trẻ từ 6 tháng đến 8 tuổi; Người có bệnh mạn tính (bệnh phổi mạn tính, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, tiểu đường, suy giảm miễn dịch…)); Người trên 65 tuổi.

(Nguồn: dantri.com.vn)

In bản tin