Hút thuốc, vô tư hít 7.000 chất hoá học, 69 chất gây ung thư vào người

Cập nhật: 9/1/2018 | 8:18:55 PM

Tác hại của việc hút thuốc lá tưởng như là việc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thế nhưng dường như đây vẫn là câu chuyện của tương lai, bởi khói thuốc không gây hậu quả ngay tức thì cho sức khoẻ nên nhiều người vẫn khá dửng dưng. Trước gánh nặng sức khoẻ và kinh tế do thuốc lá gây ra, các nhà khoa học khuyến nghị, tăng mạnh thuế thuốc lá là biện pháp hiệu quả nhất để giảm gánh nặng này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong thành phần khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư. Trong số đó có nhiều chất được tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) xếp vào nhóm 1, tức là các chất có khả năng gây ung thư cho con người dù ở liều lượng rất thấp. Điển hình là các hợp chất thơm có vòng benzene, acetaldyhyde, arsenic, berrylium, vinyl chloride, formaldehyde,...

Với 15,6 triệu người trên 15 tuổi đang hút thuốc, và hơn 8 triệu người lao động tiếp xúc với khói thuốc thụ động ở nơi làm việc, và 47 triệu người hít phải khói thuốc thụ động ở nhà, sử dụng thuốc lá đã và đang gây ra những gánh nặng to lớn đối với sức khỏe của người dân Việt Nam.

Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở cả nam và nữ Việt Nam. WHO ước tính, mỗi năm có trên 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá ở Việt Nam. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu Việt Nam không thực hiện ngay các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

Hơn 31.000 tỷ đồng bay theo thuốc lá và tổn thất hơn 24.000 tỷ đồng mỗi năm để điều trị các bệnh liên quan đến thuốc lá

Theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành mới đây cho thấy, năm 2015 người dân Việt Nam đã bỏ ra tới 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá.

Theo ThS.BS Hoàng Anh – Giám đốc HealthBridge Canada tại Việt Nam, hút thuốc lá gây ra bệnh tật và tử vong sớm vì thế tạo ra gánh nặng về chi phí y tế đối với gia đình và xã hội. Chi phí y tế của hút thuốc lá là tất cả các khoản chi tiêu hay thu nhập bị mất đi vì bệnh tật do thuốc lá gây ra. Các khoản chi phí này bao gồm: chi phí trực tiếp cho điều trị bệnh (viện phí, và chi phí mua thuốc, máu…), chi phí trực tiếp không cho điều trị bệnh (chi phí đi lại, thuê người chăm sóc, và ở trọ…) và chi phí gián tiếp (thu nhập bị mất đi do giảm năng suất lao động do nghỉ ốm và tử vong sớm và cho việc chăm sóc người thân bị bệnh). Cho đến nay đã có nhiều nghiên cứu tại các quốc gia đánh giá về mức độ bệnh tật và ước tính chi phí y tế của hút thuốc. Các nghiên cứu đều có chung một kết luận là: hút thuốc lá tạo ra một gánh nặng rất lớn về bệnh tật và chi phí y tế đối với gia đình và xã hội. Tổng chi phí y tế do hút thuốc lá chiếm từ 6% đến 15% tổng chi phí y tế tại các nước phát triển và ở các nước đang phát triển như Trung Quốc tỷ lệ này là 3,1%.

Tại Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu mới nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Y tế công cộng và HealthBridge Canada tại Việt Nam, tổng chi phí cho điều trị và mất khả năng lao động vì bệnh tật và tử vong sớm cho 5 nhóm bệnh bao gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim do hút thuốc gây ra là 24.679,9 tỷ đồng, chiếm 0.97% tổng GDP của cả nước vào năm 2011. Trong đó, chi phí y tế trực tiếp cho khám và điều trị nội trú và ngoại trú là 12.463,4 tỷ đồng, chi phí do mất khả năng lao động do tử vong sớm vì các bệnh liên quan đến hút thuốc lá là 9.563,5 tỷ đồng và chi phí do mất khả năng lao động vì bệnh tật liên quan đến hút thuốc lá là 2.652,9 tỷ đồng. Trong 5 nhóm bệnh được nghiên cứu, tổng chi phí cho bệnh ung thư phổi lớn nhất chiếm 35% tổng chi phí (8.635 tỷ đồng), bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có tổng chi phí lớn thứ hai chiếm 32,9% tổng chi phí (8118 tỷ đồng).

“Tổng chi phí này tạo ra gánh nặng lên gia đình và xã hội. Trong đó, hộ gia đình phải chịu hoàn toàn các khoản chi phí do mất khả năng lao động do bị bệnh và tử vong sớm. Gánh nặng của khoản chi phí điều trị nội trú được chia cho ba bên: nhà nước, các cơ quan bảo hiểm và gia đình bệnh nhân. Chi phí của nhà nước và bảo hiểm chiếm khoảng 46%-67% tổng chi phí tùy theo từng nhóm bệnh. Tính trung bình ngân sách nhà nước trả 40% chi phí điều trị nội trú, hộ gia đình trả 40.8% và 19,2% chi phí điều trị nội trú là từ bảo hiểm y tế”- ThS. Hoàng Anh chỉ rõ.

Tăng thuế thuốc lá bao nhiêu là đủ?

Các chuyên gia cho rằng, mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá hàng năm đóng góp cho ngân sách quốc gia từ thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng phần đóng góp này không đủ để bù đắp những tổn thất về sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Hút thuốc lá đang tạo ra gánh nặng về tài chính rất lớn đối với xã hội đặc biệt là nhóm người nghèo. Để giảm những tổn thất này, nhiều ý kiến khuyến nghị, Việt Nam cần phải nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm tiêu dùng thuốc lá hiệu quả trong đó tăng thuế thuốc lá được chứng minh là biện pháp hữu hiệu.

“Đánh thuế thuốc lá cao làm giảm số người hút thuốc sẽ làm giảm đáng kể chi phí y tế của hút thuốc lá đặc biệt là chi phí do giảm năng suất lao động vì bệnh tật và tử vong sớm. Theo khuyến nghị của WHO, mức thuế thuốc lá tối thiểu phải đạt được 70% của giá bán lẻ, trong khi thuế ở Việt Nam hiện nay tương đương với 41.6% giá bán lẻ”- ThS. Hoàng Anh cho biết.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thu Hiền - Giảng viên kinh tế, Đại học Thương mại cho biết, tăng thuế làm giảm tiêu dùng thuốc lá, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp. Bà Hiền cho biết theo ước tính của WHO, trung bình giá một bao thuốc lá tăng 10% làm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá 4% tại các nước có thu nhập cao và 8% tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu, giá thuốc tăng 10% sẽ làm giảm tiêu dùng thuốc lá 5%.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế và các tổ chức y tế công cộng, để đạt được mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam, thì thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm thuốc lá cần phải được sửa đổi, bổ sung ở mức là 5.000đ/bao năm 2020. Với mức thuế này thì tỷ lệ hút thuốc sẽ giảm 6,5%, giúp 1,8% triệu người bỏ thuốc và tránh được 900.000 ca tử vong sớm trong tương lai. Mức bổ sung thấp nhất cần đạt được là 2.000 VNĐ/bao vào năm 2020, tuy nhiên mức này mới đóng góp vào đạt được một nửa mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc.

Để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá, Hội đồng Y tế Thế giới đã thông qua Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá. Đây là Công ước quốc tế đầu tiên về y tế công cộng, trong đó quy định đồng bộ các biện pháp giảm cung và giảm cầu đối với thuốc lá.

Trong các biện pháp kiểm soát thuốc lá quy định trong Công ước khung, thì tăng thuế thuốc lá được coi là một trong các biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thanh thiếu niên. Không những thế nó còn giúp tăng nguồn thu từ thuế thuốc lá cho ngân sách chính phủ. Chính vì vậy, tăng thuế thuốc lá được coi là biện pháp ích lợi đôi đường, vừa có ích cho việc bảo vệ sức khỏe vừa giúp tăng thu ngân sách cho chính phủ.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin