Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Bài học Vũ Hán: Không làm điều xấu cũng là đóng góp xã hội

Cập nhật: 7/2/2020 | 12:39:54 PM

Phó tổng biên tập Tạp chí thanh thiếu niên Trung Quốc Tây Lâm kêu gọi mọi người chung tay chống dịch viêm phổi bằng cách "không làm điều xấu".

Ở Trung Quốc thời điểm hiện tại, mỗi sáng ngủ dậy, bạn lại nghe có thêm bao nhiêu người chết do viêm phổi Vũ Hán hay dịch bệnh đang lan rộng với tốc độ khủng khiếp ra sao. Thông tin này lại tiếp tục thách thức khả năng chịu đựng của người Trung Quốc, những người hàng ngày vẫn sống trong hàng mớ thông tin nhiễu loạn liên quan đến bệnh viêm phổi chết người.

Đó có thể là thông tin như "Hội chữ thập đỏ của tỉnh Hồ Bắc dừng hoạt động", từ việc nhiều thương nhân lợi dụng sự lo lắng của mọi người để đầu cơ khẩu trang, trục lợi. Thậm chí bán khẩu trang y tế giả, tái chế khẩu trang đã sử dụng để kiếm lời...

Bệnh nhân lo lắng cho sức khỏe của họ là điều dễ hiểu, nhưng khi họ đánh các nhân viên y tế, thậm chí xé khẩu trang của bác sĩ rồi nhổ nước bọt vào mặt họ là điều không thể chấp nhận nổi.

Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Vũ Hán luôn làm việc trong tình trạng quá tải khi dịch bệnh do virus nCoV bùng phát tại thành phố này. Ảnh: sina.

Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Vũ Hán luôn làm việc trong tình trạng quá tải khi dịch bệnh do virus nCoV bùng phát tại thành phố này. Ảnh: sina.

Đọc được thông tin như vậy, tôi lại đặt câu hỏi: Ở thời điểm cấp bách như thế này, tại sao vẫn tồn tại người không có lương tâm và điều ác xuất hiện ở khắp mọi nơi? Tại sao họ luôn khiến đồng bào mình phải sống trong sợ hãi? Họ chỉ cần ngồi yên thôi cũng là đóng góp cho xã hội rồi, tại sao họ không thể làm điều đó?

Để tránh dịch bệnh lây lan, vài ngày trước trên trang cá nhân của một bác sĩ nổi tiếng đã kêu gọi mọi người hủy bỏ những buổi ăn chơi tiệc tùng tập thể, ra ngoài càng ít càng tốt.

Dưới bài viết, tôi đọc được nhiều bình luận kiểu như: "Nực cười, tôi chưa bao giờ nghĩ mình phải chôn chân ở nhà", hay "Việc ông ông làm, việc tôi tôi làm, nước sông không phạm nước giếng"...

Trong giai đoạn nhạy cảm này, từ việc cơ bản nhất là đeo khẩu trang, càng ít ra ngoài càng tốt để không làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Không tạo ra hay lan truyền tin đồn, không tạo ra sự hoảng loạn cho xã hội và hãy tôn trọng tất cả những người đang ở tiền tuyến chống lại dịch bệnh nguy hiểm. Đây là điều mà ai trong chúng ta cũng có thể làm được.

Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Thái Viện Viện từng nói "Không làm điều ác cũng là một đóng góp cho xã hội". Những việc tưởng như tầm thường trên thực sự là những biểu hiện cơ bản nhất của việc "không làm điều ác".

Đến những đứa trẻ con cũng biết rằng, để đóng góp cho xã hội, chúng ta phải trở thành người tốt và không làm điều ác. Thế nhưng điểm mấu chốt là phải thực hiện qua hành động, không chỉ dạy qua lý thuyết.

"Nhiều đứa trẻ luôn ước mơ lớn lên sẽ trở thành siêu anh hùng và làm việc trượng nghĩa, luôn giúp đỡ người hoạn nạn. Hãy cho trẻ hiểu rằng 'thay đổi thế giới’ có nhiều chiều, không làm điều ác và duy trì lòng tốt là một trong số đó", Tạ Phúc Chiêm, giáo sư Viện khoa học xã hội Trung Quốc chia sẻ.

Ở nước ngoài, càng trong những tình huống nguy hiểm, trẻ em càng được dạy dỗ về lòng tử tế.

Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã lan rộng khắp nơi trên thế giới, hơn 60 quốc gia đã công bố kiểm soát nhập cư với khách du lịch Trung Quốc. Nhưng việc thực hiện quy định không có nghĩa phân biệt đối xử mà là vì sức khỏe và sự an toàn của mọi người.

Sau khi phát hiện hai trường hợp viêm phổi Vũ Hán ở Italy, thị trưởng Florence Nadella đã đưa ra một sáng kiến gọi là "Hãy bao dung với người Trung Quốc" vào ngày 1 tháng 2 nhằm lên án mạnh mẽ những người mượn cơ hội này để "khủng bố tâm lý" vào người Trung Quốc.

Để ngăn trẻ em tiếp cận với một vài tuyên bố không phù hợp trên mạng, một trường học ở Mỹ đã viết một lá thư cho phụ huynh về virus corona. Cuối bức thư có đoạn "Mọi người đều có thể bị bệnh, vậy xin đừng cô lập người Trung Quốc và những người có quan hệ với Trung Quốc. Đừng phân biệt đối xử với bệnh nhân vì nó chỉ khiến bệnh nhân cảm thấy xấu hổ vì bệnh tật của mình. Hành vi này sẽ khiến họ che giấu bệnh tật và từ chối bảo vệ người khác. Chúng ta đang chiến đấu chống lại virus chứ không phải chống lại người Trung Quốc. Tình hình càng nghiêm trọng, chúng ta càng phải bình tĩnh, nhân văn và đoàn kết".

Lá thư của một trường tiểu học của Nhật gửi tới phụ huynh nhằm tránh có những phát ngôn bất bình đẳng với những bệnh nhân ở Vũ Hán. Ảnh: sohu.

Lá thư của một trường tiểu học của Nhật gửi tới phụ huynh nhằm tránh có những phát ngôn bất bình đẳng với những bệnh nhân ở Vũ Hán. Ảnh: sohu.

Ở Nhật, các trường tiểu học cũng gửi thư tới phụ huynh trước tình hình dịch bệnh: "Với những thông tin không chính xác liên tục xuất hiện thời gian qua, xin mọi người không nên có những phát ngôn bất bình đẳng với những người Vũ Hán nói riêng và Trung Quốc nói chung. Xin các bậc phụ huynh nhắc nhở con em mình, tránh những phát ngôn không hợp lý".

Trong giai đoạn đặc biệt này, trước những thông tin nhiễu loạn, chúng ta không chỉ dạy trẻ em nhận ra điều xấu mà còn hướng dẫn chúng điều gì thật sự tốt. Hãy để lòng tốt này trở thành sức mạnh trong sự phát triển sau này của trẻ.

Giáo sư Tạ Phúc Chiêm gợi ý: "Hãy kể cho trẻ biết tới những con người đang âm thầm giúp đỡ người khác trong lúc hoạn nạn".

Đó có thể là một người đàn ông 83 tuổi quyên góp 10.000 tệ mà ông dành dụm cả cuộc đời, cho một tổ chức từ thiện để chống lại dịch bệnh. Một cư dân mạng biết chuyện đã gây quỹ 10.000 tệ để trả lại nhưng ông lại mang số tiền đó đến ngân hàng chuyển cho Hội chữ thập đỏ địa phương. Ông nói: "Tôi chỉ làm những gì một con người nên làm".

Cụ ông họ Lâm quyên góp 10.000 tệ tiền tiết kiệm của mình dành cho việc chống lại dịch bệnh cho địa phương. Ảnh: sina.

Cụ ông họ Lâm quyên góp 10.000 tệ tiền tiết kiệm của mình dành cho việc chống lại dịch bệnh cho địa phương. Ảnh: sina.

Hoặc một công nhân nhập cư làm việc trong một nhà máy sản xuất khẩu trang, vì nhà máy không thể trả lương, người này đã được trả công bằng 15.000 chiếc khẩu trang. Khi dịch bệnh xảy ra, khẩu trang thiếu hụt nghiêm trọng, thay vì đầu cơ bán ra với giá cao, cô đã tặng lại toàn bộ số khẩu trang phân phát cho những vùng có dịch.

Một người đàn ông họ Hoàng ở Hàng Châu mất cả vợ và con vì dịch bệnh. Sau khi lo hậu sự xong, người này đã liên lạc với rất nhiều đối tác ở nước ngoài để thu mua khẩu trang rồi tặng lại địa phương.

Tất cả họ đang chiến đấu dịch bệnh với tâm niệm "Có thể làm được gì cho xã hội thì sẽ làm hết sức".

"Sự tử tế không phải là bản năng mà là một lựa chọn. Chúng ta không bao giờ nên để con cái mình sống trong một thế giới mà chúng ta nghĩ rằng lòng tốt là thứ yếu. Hoàn cảnh càng khó khăn, thế giới càng nham hiểm thì chúng ta càng nên phải dạy con về lòng tử tế", giáo sư Tạ Phúc Chiêm nói.

Cuối cùng tôi hy vọng dịch bệnh sẽ nhanh chóng được khống chế và không có tác hại nào ngoài virus tiếp tục lây lan ngoài xã hội.

(Nguồn: vnexpress.net)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014