Quảng Ninh CDC
DS vacxin
Đường dây nóng báo dịch Quảng Ninh 1800- 9214

Bệnh ấu trùng sán lợn có trong những loại thực phẩm nào?

Cập nhật: 19/3/2019 | 8:13:25 PM

Bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền.

Ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn.

Theo các chuyên gia, việc chẩn đoán một người có đang mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố, không chỉ trên xét nghiệm huyết thanh.
Ngoài ra, những thực phẩm như thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống có nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành; ăn rau sống không đảm bảo vệ sinh có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn…
Không nên quá hoang mang
Trong vài ngày qua, có nhiều học sinh ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã được gia đình đưa đến Viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để khám xác định bệnh ấu trùng sán lợn.
Phó giáo sư Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay, từ trước đến nay xét nghiệm chẩn đoán sán lợn thường chỉ làm cho người có nguy cơ hoặc triệu chứng. Đó là những bệnh nhân như: bị động kinh không rõ nguyên nhân, bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, rối loạn hấp thu, bệnh nhân nghi ngờ ấu trùng sán não, khi bị các nốt dưới da... Với những bệnh nhân này phải làm xét nhiều xét nghiệm như siêu âm, chụp cắt lớp, sinh thiết... để khẳng định và xét nghiệm máu chỉ là một trong những phương pháp hỗ trợ chẩn đoán bệnh.
“Trường hợp xét nghiệm hàng loạt thì chỉ áp dụng trong điều tra dịch tễ học, vì nếu phát hiện ca bệnh dương tính vẫn phải làm thêm các xét nghiệm khác để khẳng định có bị bệnh hay không để điều trị,” ông Cường nói.
Kết quả xét nghiệm máu sàng lọc dương tính với sán thì chưa đủ khẳng định là có bệnh ấu trùng hay không và bác sỹ chỉ điều trị khi có triệu chứng, nếu không chỉ theo dõi. Ngoài ra có tỷ lệ dương tính chéo giữa sán lợn với một số loại ký sinh trùng khác. Trường hợp các cháu ở Bắc Ninh nếu không có triệu chứng, tức là chỉ phơi nhiễm với bệnh thì không cần phải điều trị.
Lý giải về vấn đề này, phó giáo sư Cường nhấn mạnh: “Việc xét nghiệm máu sàng lọc hiện nay chỉ phát hiện kháng thể và kháng nguyên của ấu trùng sán lợn trong huyết thanh, với các trẻ khỏe mạnh không có triệu chứng là vô nghĩa. Nếu kết quả dương tính sán cũng chỉ khẳng định là trẻ có phơi nhiễm với trứng sán do ăn uống phải nguồn nước, rau sống chứa trứng sán...”
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), một trường hợp để biết xem có phải mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… và thực hiện các xét nghiệm.
Hiện nay, bệnh ấu trùng sán lợn được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole. Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng.
Bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, việc mắc bệnh liên quan đến tập quán ăn uống, sinh hoạt của người dân.
Người ăn phải thịt lợn chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành.
Sử dụng thức ăn nấu chín
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn gặp ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, tỉnh thành.
Theo số liệu được báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn. Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị ô nhiễm có nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.
Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.
Ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút. Vì thế, ăn thức ăn nấu chín, không ăn rau sống sẽ phòng được sán lợn.
Người dân không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).
Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.
Phó giáo sư Cường cho hay, việc điều trị bệnh sán không khó khăn vì có sẵn thuốc cũng như phác đồ của Bộ Y tế, nhưng cần phân biệt bệnh ấu trùng sán lợn hay bệnh sán lợn trưởng thành, để điều trị. Nếu bị bệnh sán trưởng thành (tìm thấy đốt sán trong phân) thì sẽ dùng thuốc tẩy sán praziquantel 15-20mg/kg cân nặng, uống liều duy nhất. Điều trị bệnh ấu trùng sán lợn (bị ở não, dưới da) tức là phải có triệu chứng, thì sẽ kéo dài hơn: Praziquantel 30mg/kg/ngày x 15 ngày x 2-3 đợt (mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày)./

(Nguồn: vietnamplus.vn)

TIN ĐĂNG MỚI NHẤT
CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG
  • Liên kết web
  • Lịch công tác Trung tâm
    Phòng chống nCoV
    Văn Bản Pháp Luật
    Quản lý XN
    Hỏi Đáp Trực Tuyến
    Hòm thư góp ý SYT
    Hệ thống cơ sở dữ liệu y tế Quảng Ninh
    Website Sở Y tế Quảng Ninh
    BV tỉnh
    BV Bãi Cháy
    BV Sản Nhi
    BV Lao và Phổi
  • Video - Phóng sự
  • Video Phóng Sự
  • Tư vấn
  • Bảng Giá Dịch Vụ
    Tư vấn Dinh Dưỡng
    Tư vấn Đái tháo đường
    Tư vấn xét nghiệm
1800 9014