11 câu nên hỏi bác sĩ tim mạch trong lần khám đầu tiên

Cập nhật: 19/7/2019 | 11:06:56 AM

Gặp bác sĩ khi khám sức khỏe hàng năm hoặc khi bị cúm là một chuyện. Đi khám bác sĩ tim mạch lần đầu tiên vì các vấn đề ở tim lại là một chuyện khác. Bạn hãy chuẩn bị để hỏi bác sĩ nhiều câu hỏi về bệnh và các xét nghiệm.

11 câu nên hỏi bác sĩ tim mạch trong lần khám đầu tiên - 1

Bệnh tim là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở cả nam và nữ tại Mỹ, theo CDC: Khoảng 610.000 người chết vì bệnh tim ở Mỹ mỗi năm. "Thật đáng sợ khi lần đầu tiên gặp bác sĩ tim mạch", bác sĩ Claire Boccia Liang, giám đốc Chương trình Tim mạch Phụ nữ của Trung tâm Y tế Morristown, một phần của Hệ thống Y tế Đại Tây Dương ở Morristown, New Jersey, nói. "Tôi khuyên các bệnh nhân nên có một danh sách các câu hỏi. Điều này có tác dụng một “cỗ máy phá băng” và có thể giúp họ nhớ các vấn đề họ muốn thảo luận." Đừng cảm thấy bị giới hạn bởi danh sách các câu hỏi này - bạn có thể có nhiều câu hỏi hơn sau lần sàng lọc ban đầu. Dưới đây là 11 câu bạn nên hỏi bác sĩ tim mạch trong lần khám đầu tiên:

Những triệu chứng gì là điển hình cho bệnh tim?

Trong khi hầu hết mọi người biết rằng đau hoặc tức ngực có thể là dấu hiệu của bệnh tim, nhiều bệnh nhân có thể không biết về các triệu chứng không điển hình. Các triệu chứng không điển hình của bệnh tim có thể bao gồm khó thở, mệt mỏi, chóng mặt và sưng chân. Điều quan trọng cần nhớ là nam giới và phụ nữ thường có các triệu chứng khác nhau. Ví dụ, đàn ông thường kể về những triệu chứng kinh điển như tức ngực lan xuống cánh tay và tăng lên khi hoạt động thể chất hoặc lo lắng. Trong khi đó, phụ nữ có thể nói rằng họ có "cảm giác buồn cười trong ngực" hoặc mô tả cảm giác như nhịp tim bị hẫng.

Những xét nghiệm nào được chỉ định?

Điều quan trọng đối với bệnh nhân là được tự chủ trương, bao gồm hiểu lý do tại sao bác sĩ lại yêu cầu một số xét nghiệm nhất định. Hiểu lý do tại sao bác sĩ tim mạch lại thực hiện một phương pháp nào đó, chẳng hạn như yêu cầu làm test gắng sức, xét nghiệm hình ảnh hoặc kiểm tra xâm lấn hơn, cho phép bệnh nhân đặt thêm câu hỏi về những gì mong đợi, có thể mang lại sự an tâm.

Vòng bụng của tôi nên là bao nhiêu?

Cân nặng tối ưu của bạn phụ thuộc vào chiều cao và dáng người. Một câu hỏi tốt hơn có thể là "vòng bụng của tôi nên là bao nhiêu?". Đó là bởi vì mỡ bụng làm tăng khả năng bị đau tim trong tương lai, vì vậy việc giảm kích thước vòng bụng là rất quan trọng. Một phụ nữ Mỹ trung bình nên có vòng bụng 82cm trở xuống, còn nam giới là 94cm trở xuống. Số đo này không giống với kích thước vòng eo, mà bạn sử dụng để xác định cỡ quần, và được đo ở trên chỗ bạn thường mang thắt lưng.

Huyết áp của tôi nên là bao nhiêu?

Huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là tối ưu cho hầu hết người trưởng thành. Huyết áp cao có thể dẫn đến đau tim và một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm phình động mạch, đột quỵ và khả năng tư duy, ghi nhớ và học hỏi. Có thể chống lại huyết áp cao bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên, hạn chế uống rượu, giữ cân nặng càn gần mức lý tưởng càng tốt và ăn một chế độ ăn uống lành mạnh với ít muối. Một cách tiếp cận để ăn uống lành mạnh hơn là chế độ ăn DASH, viết tắt của Phương pháp ăn kiêng để ngăn chặn tăng huyết áp.

Lượng cholesterol LDL hay cholesterol "xấu" của tôi nên thấp đến mức nào?

Lipoprotein tỷ trọng thấp, hay cholesterol "xấu", có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim vì LDL còn sót lại sẽ bám vào mạch máu. Trước đây các bác sĩ thường đề nghị một phạm vi cụ thể cho LDL. Ngày nay, họ coi mức LDL là một trong nhiều yếu tố để đánh giá nguy cơ tim mạch. Con số này nên dưới 70 [trên mỗi decilit máu] đối với hầu hết mọi người. Bạn có thể giảm LDL thông qua chế độ ăn uống, tập thể dục và thuốc.

Tôi có nên uống aspirin hàng ngày không?

Uống aspirin liều thấp (81mg) hàng ngày - theo chỉ dẫn của bác sĩ - có thể giúp ngăn chặn tiểu cầu dính với nhau và hình thành các cục máu đông có thể làm tắc nghẽn động mạch. Điều này có thể giúp ngăn ngừa cơn đau tim. Bác sĩ có thể đề nghị liệu pháp aspirin hàng ngày nếu bạn bị tiểu đường hoặc một yếu tố nguy cơ khác như huyết áp cao; nếu bạn là nam giới từ 50 tuổi trở lên hoặc phụ nữ trên 60 tuổi; hoặc nếu bạn đã bị đau tim hoặc đột quỵ. Statin làm giảm mỡ máu và có thể cực kỳ có lợi trong việc duy trì sức khỏe của tim. Tuy nhiên phác đồ aspirin liều thấp hàng ngày không dành cho tất cả mọi người; nó có thể làm tăng nguy cơ chảy máu đối với một số người, và không được khuyến nghị để giảm nguy cơ tim mạch ở những người khỏe mạnh.

Tôi nên tránh những hoạt động nào?

Để tăng cường và duy trì sức khỏe tim mạch, có rất ít, nếu không muốn nói là không có hoạt động nào có hại. Tuy nhiên, nếu bạn đã mắc một bệnh có khả năng đe dọa đến tính mạng như ung thư hoặc tắc nghẽn động mạch chưa được điều trị bằng thuốc hoặc các thủ thuật, thì các hoạt động aerobic có thể gây hại. Bạn nên thảo luận điều này với bác sĩ.

Tiền sử gia đình sẽ ảnh hưởng đến chẩn đoán của tôi như thế nào?

Các yếu tố nguy cơ và xác suất mắc bệnh tim có liên quan chặt chẽ đến tiền sử sức khỏe và di truyền của gia đình bạn. Hãy nghĩ về tiền sử gia đình như một cái nhìn để bác sĩ đánh giá về môi trường và di truyền nơi bệnh xảy ra. Hãy chắc chắn xác định xem những người thân trực hệ trong gia đình bạn có được chẩn đoán mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc đột ngột qua đời trước 55 tuổi nếu là đàn ông và 65 tuổi nếu là phụ nữ hay không. Thông tin này đặc biệt quan trọng đối với người Mỹ gốc Phi và người Latin, vì những người thuộc những nhóm sắc tộc này, một số sống ở các khu vực thiếu chăm sóc y tế, phải đối mặt với nguy cơ cao huyết áp, cholesterol cao, đái tháo đường và đột quỵ. Nếu bạn không biết toàn bộ tiền sử bệnh của gia đình mình, hãy bắt đầu bằng cách hỏi những người thân trong gia đình. Tìm hiểu xem cha mẹ, ông bà hoặc anh chị em của bạn có bị bệnh tim hoặc đột quỵ hay không và họ bao nhiêu tuổi khi được chẩn đoán.

Tiền sử sức khỏe cá nhân của tôi sẽ ảnh hưởng đến chẩn đoán như thế nào?

Điều quan trọng là bác sĩ phải biết liệu bạn đã từng có các triệu chứng của bệnh tim, chẳng hạn như mệt mỏi, khó thở, khó thở khi nằm và nhịp tim nhanh hoặc không đều hay không. Hãy chắc chắn là chia sẻ với bác sĩ về mọi căn bệnh nghiêm trọng trước đó hoặc đang diễn ra. Cung cấp cho bác sĩ các chi tiết: nó đã diễn ra cách đây bao lâu, nó kéo dài trong bai lâu và những thuốc bạn đã sử dụng trong thời gian đó. Cũng làm tương tự với các thủ thuật ngoại khoa. Chia sẻ kết quả từ các xét nghiệm hoặc đi khám bác sĩ gần đây.

Tôi có thể làm gì để chống lại bệnh tim?

Trong khi bạn không thể làm bất cứ điều gì đối với tiền sử gia đình, thì có những chiến lược cụ thể để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh tim. Tăng huyết áp, huyết áp cao, cholesterol cao, hút thuốc và đái tháo đường là một số trong những yếu tố nguy cơ mà bạn có thể giảm thiểu. Để điều trị huyết áp và cholesterol cao, bệnh nhân nên tuân thủ lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn chế độ ăn tốt cho tim có ít chất béo, natri và uống thuốc phù hợp nếu cần. Về thuốc lá, bệnh nhân nên bỏ thuốc lá hoàn toàn. Đối với bệnh đái tháo đường, bệnh nhân nên kiểm soát chặt chẽ lượng đường trong máu bằng chế độ ăn uống, tập thể dục và, nếu cần, dùng thuốc.

Những nguồn lực nào có sẵn để giúp tôi hiểu và tăng cường sức khỏe cho tim?

Hỏi xem các nhóm hỗ trợ, trang web và ứng dụng di động có thể cung cấp cho bạn nền tảng bổ sung về sức khỏe tim mạch và các chiến lược để bảo vệ nó hay không. Thống kê mọi nguồn lực có sẵn có thể dẫn đến kết quả tốt hơn.

(Nguồn: dantri.com.vn)

In bản tin