Tại sao mùa đông dễ mắc bệnh tim hơn?

Cập nhật: 19/10/2017 | 10:16:00 AM

Mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp, chính là lúc hệ tim mạch của chúng ta hoạt động khó khăn hơn, đặc biệt với những người lớn tuổi. Hãy xem nguyên nhân vì sao và các lưu ý để giữ cho trái tim khỏe mạnh khi mùa đông đang chuẩn bị đến gần nhé.

Ít luyện tập thể dục thể thao hơn

Trời lạnh hơn không có nghĩa là chúng ta hạn chế các hoạt động ngoài trời. Điều quan trọng là hãy duy trì vận động khi nhiệt độ giảm. Tập luyện làm cho trái tim chúng ta khỏe mạnh hơn (giống như các cơ) và giúp bảo vệ chống lại bệnh động mạch vành và bệnh mạch máu.

Theo các chuyên gia về tim mạch, mục tiêu của chúng ta là nên chớp lấy mọi cơ hội để giữ cho cơ thể luôn vận động hơn là duy trì ở trạng thái chỉ đứng hoặc ngồi yên một chỗ.

Các chuyên gia cũng đưa ra các đề xuất bao gồm bước đi đi lại lại khi nghe điện thoại hoặc xem TV, đỗ xe ở xa văn phòng, cửa hàng mua bán…và đứng lên khỏi bàn làm việc ít nhất mỗi tiếng một lần để kéo giãn cơ thể ít nhất trong một phút.

Thói quen ngủ không tốt

Một giấc ngủ ngon là điều cốt yếu cho sức khoẻ của chúng ta đặc biệt đối với sức khỏe tim mạch. Giấc ngủ giúp phục hổi trái tim và mạch máu. Nếu không có được giấc ngủ ngon thường xuyên sẽ liên quan đến nguy cơ cao tăng huyết áp và bệnh tim.

Nếu nhiệt độ trong phòng ngủ quá thấp vào mùa đông có thể ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ. Vì vậy, cần tham khảo các biện pháp để giữ ấm cho phòng ngủ của mình.

Một lưu ý quan trọng là không được ngủ quá nhiều. Khi chúng ta thường có thói quen “chăn ấm nệm êm” là không muốn bước ra khỏi giường. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngủ quá nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ cao hơn bị bệnh tim. Cố gắng có giấc ngủ điều độ từ 7 đến 9 tiếng đối với người lớn từ 18 đến 64 tuổi.

Mức độ stress cao

Stress tác động xấu đến tim và mạch máu do các hoóc môn gây căng thẳng như cortisol, adrenaline, và các protein viêm nhiễm được gọi là cytokine. Những chất này khiến các động mạch bị cứng lại và làm tăng nguy cơ đột quỵ cũng như đau tim.

Bước đầu tiên để quản lý mức căng thẳng là xác định nguyên nhân vì sao mức độ ngày càng tăng. Sau đó tiến hành các bước tiếp theo để giảm stress. Nếu cảm thấy cô đơn và trống vắng trong mùa đông vì thói quen ngại ra ngoài khi thời tiết lạnh, hãy gọi cho ai đó để nói chuyện.

Ngoài ra còn có các kỹ thuật thư giãn khác như thiền định và tưởng tượng, các kỹ thuật này đã được chứng minh là làm giảm lo lắng và mức độ nghiêm trọng của suy tim sung huyết. Ngoài ra cũng nên lướt qua các trang web uy tín để học cách quản lý căng thẳng hiệu quả nhất.

Nguy cơ cảm cúm

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Mỹ, vi rút cảm cúm phổ biến nhất vào mùa thu và mùa đông. Cúm rất dễ lây, và liên quan đến tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Nếu người nào đã bị bệnh tim hoặc đột quỵ, điều quan trọng là phải tiêm chủng vắc xin theo mùa.

Không chỉ khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa cúm, chúng ta có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch khi tiếp xúc ở những nơi công cộng, tránh chạm vào mắt, mũi và miệng để ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng.

Bạn có thể bảo vệ những người khác bằng cách che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt xì, đồng thời vứt khăn giấy ngay sau khi sử dụng.

Lao động nặng nhọc

Nếu đã từng trải qua cơn đau tim hoặc có nguy cơ bị bệnh tim, mọi người nên biết những rủi ro có thể gặp phải và những hạn chế của cơ thể. Tránh một số hoạt động nhất định trong thời tiết lạnh như làm vườn, lái xe trong thời tiết khắc nghiệt, tất cả đều có thể gây căng thẳng lên tim.

Cần đảm bảo rằng bạn đã biết các dấu hiệu cảnh báo cơn đau tim, đặc biệt là khó thở và khó chịu ở ngực. Nếu phải làm việc quá nặng như xới đất, không làm ngay vào buổi sáng vì máu có thể đóng cục vào thời điểm này trong ngày.

Hãy dành thời gian để vận động trước khi lao động chân tay, ăn mặc ấm áp và phù hợp để bảo vệ đầu, miệng, tay…Nghỉ ngơi 15 phút một lần để giảm bớt tải cho tim.

Bia rượu quá đà

Rượu có thể làm chúng ta cảm thấy ấm hơn nhưng thực sự lại rất nguy hiểm cho tim khi ở ngoài thời tiết lạnh. Nếu phải ra ngoài dự tiệc buổi tối, cần ăn mặc ấm áp, biết được giới hạn của bản thân. Hãy mặc nhiều lớp quần áo để giữ ấm cơ thể.

Thân nhiệt giảm là khi da tiếp xúc với không khí lạnh quá nhiều, để ý đeo mũ, khăn quàng cổ, găng tay. Nước cũng rất tốt cho việc giữ nhiệt trong cơ thể, vì thế hãy chú ý uống nước đầy đủ.

(Nguồn: dantri.com.vn)

In bản tin