Cao huyết áp có yếu tố di truyền không?

Cập nhật: 2/2/2023 | 1:23:09 PM

Tuổi tác, lịch sử gia đình, giới tính có ảnh hưởng đến nguy cơ mắc huyết áp cao và được xem là yếu tố rủi ro di truyền của tình trạng này.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tăng huyết áp là tình trạng xảy ra không rõ nguyên nhân nhưng có thể di truyền. Trong một gia đình, nếu cha mẹ hoặc các thành viên khác mắc huyết áp cao, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn bình thường.

Yếu tố nguy cơ di truyền đối với huyết áp cao là những yếu tố vốn sinh ra đã có và không thể kiểm soát được. Dưới đây là một số yếu tố di truyền phổ biến của bệnh huyết áp cao.

Huyết áp cao có yếu tố di truyền. Ảnh: Freepik

Huyết áp cao có yếu tố di truyền. Ảnh: Freepik

Lịch sử gia đình: Nếu bạn có ba hoặc mẹ bị huyết áp cao, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ lớn hơn so với người khác. Nguy cơ này tăng cao hơn nếu cả ba và mẹ bạn cùng mắc bệnh. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc có ông bà bị tăng huyết áp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh này ở thế hệ thứ 3, đặc biệt nếu ông bà bị tăng huyết áp trước 55 tuổi.

Tuổi: Khoảng 22% người trưởng thành ở độ tuổi từ 18-39 bị huyết áp cao so với hơn 55% người lớn ở độ tuổi 40–59. Ở tuổi 60 trở lên, hơn 74% người trưởng thành bị cao huyết áp.

Theo các chuyên gia, khi một người già đi họ có nhiều khả năng bị viêm, bị rối loạn chức năng nội mô hoặc xơ cứng các mạch máu lớn của tim. Những thay đổi này làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp .

Giới tính: Theo nghiên cứu, phụ nữ có nguy cơ mắc huyết áp cao di truyền cao hơn nam giới. Các chị em cũng có khả năng tăng huyết áp khởi phát sớm hơn so với nam giới. Nguyên nhân là do phụ nữ chịu ảnh hưởng của các vấn đề tiết tố sinh dục, estrogen, chúng ảnh hưởng đến nguy cơ mắc huyết áp cao.

Bên cạnh các yếu tố di truyền, tăng huyết áp còn phụ thuộc vào các yếu tố có thể thay đổi được như chế độ ăn uống lành mạnh, thói quen hút thuốc lá, vận động...

Những người có nguy cơ mắc huyết áp cao cần tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, giảm natri (muối) trong chế độ ăn uống, hạn chế các thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm từ nhà hàng, giảm thịt đỏ, chất béo bão hòa. Bạn nên tăng cường kali từ các thực phẩm như chuối, khoai tây và đậu, giảm cân để giúp kiểm soát huyết áp.

Những người có nguy cơ huyết áp cao di truyền nên thường xuyên vận động thể dục thể thao. Hoạt động thể chất giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp vì nó giúp giữ cho các động mạch linh hoạt. Bạn nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần cho các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy bộ, đạp xe...

(Nguồn: vnexpress.net)

In bản tin