Nguy cơ khi tăng huyết áp tâm trương

Cập nhật: 2/6/2017 | 4:15:03 PM

Tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch vẫn là một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan tâm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, tăng huyết áp gia tăng nhanh chóng trong 20 năm qua, tỷ lệ tăng huyết áp của người trưởng thành năm 2008 chiếm 25,1%.

Huyết áp bao gồm 2 con số - số trên cao hơn còn gọi là áp suất tâm thu và số dưới thấp hơn còn gọi là áp suất tâm trương. Có 3 loại tăng huyết áp: tăng huyết áp tâm thu xảy ra khi số trên tăng và tăng huyết áp hỗn hợp xảy ra khi cả hai số đều cao. Tăng huyết áp tâm trương xảy ra khi số dưới cao, tăng huyết áp tâm trương được định nghĩa là áp suất tâm trương từ 90mmHg trở lên. Tăng huyết áp tâm trương đơn độc (IDH: Isolated Diastolic Hypertension) chủ yếu được thấy ở những người trẻ tuổi. Ở hầu hết những người có tăng huyết áp tâm trương đơn độc, không có nguyên nhân cụ thể nào được xác định, còn được gọi là tăng huyết áp nguyên phát. Ít gặp hơn, tăng huyết áp tâm trương đơn độc là thứ phát của một rối loạn khác như bệnh lý tuyến giáp, bệnh thận hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Khi huyết áp tâm trương cao, mạch máu sẽ trở nên ít đàn hồi, cứng lại và xơ vữa. Huyết áp tâm trương bình thường thường dao động từ 60 - 80mmHg. Nếu huyết áp tâm trương của bạn là 80 - 89mmHg, cần chú ý đặc biệt vì bạn đã có tiền tăng huyết áp. Áp suất tâm trương thường thay đổi trong suốt cả ngày. Bạn nên kiểm tra huyết áp vài lần một ngày để có được con số trung bình. Các yếu tố gây ra sự dao động áp lực tâm trương bao gồm: sử dụng nicotine; mức độ căng thẳng và tập thể dục; tư thế...

Ngay cả khi không có tiến triển nào khác, tăng huyết áp tâm trương đơn độc tự nó làm tăng khả năng biến chứng tim mạch nghiêm trọng. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên ngành tăng huyết áp Journal of Hypertension lưu ý rằng, những người lớn có tăng huyết áp tâm trương đơn độc có nguy cơ biến chứng tim mạch gấp đôi, bao gồm nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc hoặc tử vong do tim so với những người lớn có huyết áp bình thường.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp tâm trương

Tuổi và giới tính: Yếu tố nguy cơ hàng đầu là lớn tuổi cho cả nam giới và phụ nữ, chi phối đến 90% người bị tăng huyết áp. Nam trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng tăng huyết áp cao hơn. Tuy nhiên, tăng huyết áp đang ngày càng trở nên phổ biến hơn ở thanh thiếu niên. Nam giới thường có nguy cơ cao hơn nữ giới.

Nếu huyết áp tâm trương tăng đến 88-89 là có tiền tăng huyết áp.

Nếu huyết áp tâm trương tăng đến 88-89 là có tiền tăng huyết áp.

Chủng tộc và sắc tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc tăng huyết áp hơn so với người da trắng và các chủng tộc khác. Khoảng 40% nam giới và phụ nữ người Mỹ gốc Phi bị tăng huyết áp. Người Mỹ gốc Phi bị tăng huyết áp vào tuổi còn trẻ và làm tăng nguy cơ tử vong sớm do suy thận, suy tim, đau tim và đột quỵ.

Lịch sử gia đình: Nếu có cha mẹ mắc bệnh tăng huyết áp, bạn cũng có thể có nguy cơ cao mắc bệnh này.

Béo phì: 1/3 bệnh nhân tăng huyết áp có thừa cân. Người lớn thừa cân có nguy cơ cao bị tăng huyết áp tâm trương cao gấp đôi so với những người có trọng lượng bình thường. Trẻ em và thanh thiếu niên bị béo phì có nguy cơ bị tăng huyết áp khi chúng lớn lên.

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn: Đây là một tình trạng mà theo đó nhịp thở dừng lại nhiều lần trong khi ngủ. Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp đều có chứng ngưng thở khi ngủ. Mối quan hệ giữa hai loại hình bệnh lý này được cho là kết quả của chứng béo phì. Nhưng một số nghiên cứu cũng cho thấy những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ cũng bị tăng huyết áp bất kể cân nặng của họ.

Các yếu tố lối sống: Hút thuốc có nguy cơ tăng huyết áp tâm trương. Chế độ ăn kali thấp và ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp tâm trương. Uống nhiều rượu cũng có thể làm tăng huyết áp. Lối sống ít vận động có thể làm cho bạn trở nên thừa cân, cuối cùng dẫn đến bệnh tăng huyết áp. Sự căng thẳng, cả tinh thần lẫn thể xác, có thể làm tăng huyết áp tạm thời.

Các rối loạn sức khỏe: Nhiều tình trạng sức khỏe liên quan đến tăng huyết áp và làm khó kiểm soát tăng huyết áp hơn. Bao gồm bệnh thận, đái tháo đường và các vấn đề nội tiết.

Thuốc men: Nhiều loại thuốc có thể gây ra sự gia tăng huyết áp tạm thời hoặc làm cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Các thuốc bao gồm: thuốc chống viêm không steroid như: naproxen, aspirin và ibuprofen; corticosteroid tiêm tĩnh mạch hoặc dùng đường uống; thuốc ngừa thai; thuốc giảm đau có chứa pseudoephedrine

Làm thế nào để phòng ngừa tăng huyết áp tâm trương?

Thay đổi lối sống: Nếu bị tăng huyết áp tâm trương đơn độc hoặc tăng huyết áp hỗn hợp, nên thực hiện những thay đổi lối sống sau đây: không hút thuốc; điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh - rau tươi, hoa quả, sản phẩm sữa ít chất béo và lượng muối ăn ít; duy trì trọng lượng khỏe mạnh; tập thể dục đều đặn - ít nhất 30 phút hoạt động vừa phải mỗi ngày; giảm uống rượu bia; giữ lượng đường và cholesterol máu ở mức bình thường.

Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc sau đây: thuốc lợi tiểu: giúp thải natri và nước dư thừa trong cơ thể bạn và làm giảm huyết áp. Thuốc lợi tiểu thiazide thường được chọn vì có tác dụng phụ tối thiểu. Thuốc ức chế men chuyển (ACE): làm cho mạch máu giãn ra và giảm huyết áp, do có tác dụng ức chế sự hình thành angiotensin; thuốc ức chế thụ angiotensin II: tác dụng chặn angiotensin, làm cho mạch máu giãn. Thuốc chẹn beta; thuốc chẹn kênh canxi; thuốc ức chế renin.

Tóm lại, bất kể nguyên nhân gì, tăng huyết áp tâm trương đơn độc không nên bỏ qua. Ở nhiều người tăng huyết áp tâm trương đơn độc, cho thấy huyết áp tâm thu cũng sẽ tăng lên theo thời gian. Trong nghiên cứu Tim mạch Framingham có quy mô toàn cầu cho thấy, có 83% những người có tăng huyết áp tâm trương đơn độc sẽ phát triển tăng huyết áp hỗn hợp trong 10 năm tiếp theo. Các hướng dẫn của Hội Tăng huyết áp Hoa Kỳ và Hội Tăng huyết áp Thế giới được công bố trong tạp chí tăng huyết áp lâm sàng The Journal of Clinical Hypertension vào năm 2014 đề nghị điều trị cho tất cả các cá nhân có huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên, bất kể người đó có tăng huyết áp tâm trương đơn độc hay tăng huyết áp hỗn hợp. Các chiến lược giảm huyết áp có thể bao gồm giảm cân, thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục, kiểm soát tốt lượng đường, cholesterol trong máu và thuốc men.

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin