Dân văn phòng dễ bị tăng huyết áp

Cập nhật: 21/12/2016 | 2:49:19 PM

Dân văn phòng được xếp vào nhóm có nguy cơ cao mắc tăng huyết áp vì hội tụ cùng lúc nhiều yếu tố như: stress, ngồi nhiều, ăn uống thiếu kiểm soát...

Dân văn phòng thường ăn uống rất thất thường và không kiểm soát được lượng muối, lượng dầu mỡ, không ăn đủ rau xanh. Bên cạnh đó, lối sống tĩnh tại, ít vận động, thường xuyên căng thẳng, ngồi nhiều cho nên được xếp vào nhóm nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp.

Những con số báo động

Tăng huyết áp là bệnh mãn tính do áp lực máu trong hệ thống động mạch tăng cao. Huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ của đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim và phình động mạch. Tăng áp lực máu động mạch sẽ dẫn tới giảm tuổi thọ trung bình và một người khi huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 90mmHg trở lên được gọi là tăng huyết áp. Đây là một căn bệnh không lây nhiễm nhưng phổ biến nhất thế giới, với những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận mãn, biến chứng ở mắt gây mù lòa…Những biến chứng này ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, gây tàn phế hoặc tử vong.

Tại Việt Nam, hiện có gần 21 triệu người bị tăng huyết áp và theo đó cứ bốn người trưởng thành thì có một người bị bệnh. Tỉ lệ tăng huyết áp trong cộng đồng lên đến 27% ở những người từ tuổi 25 trở lên trong đó dân văn phòng dễ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn những đối tượng khác.

Theo các nghiên cứu mới đây,  trên thế giới mỗi năm có khoảng 17,5 triệu người tử vong do tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch. Tại Việt Nam, các bệnh về tim mạch, tăng huyết áp đang tăng mạnh, trong đó, tập trung chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, cán bộ, công chức, viên chức văn phòng nhưng đáng lo ngại là vấn đề kiểm soát tăng huyết áp trong cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn.

tăng huyết ápẢnh minh hoạ

Những nguyên nhân

Theo các nghiên cứu gần đây cho rằng  ngoài những đối tượng mắc bệnh thường gặp thì hiện nay lại xuất hiện thêm đối tượng mới có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp đó là nhân viên văn phòng. Và nghiên cứu cũng nói lên khả năng mắc bệnh tăng huyết áp và các chứng bệnh về tim mạch khác của nhân viên văn phòng cũng cao hơn 23% so với các nghề nghiệp khác, trong khi tỉ lệ này đối với người lao động chân tay là 50%. Vậy nguyên nhân nào khiến dân văn phòng dễ mắc bệnh tăng huyết áp?

Theo các nhà nghiên cứu, với sức ép của công việc sẽ làm cho huyết áp tăng bằng cách kích hoạt thường xuyên hệ thần kinh và tim mạch. Mặt khác nhân viên văn phòng rất dễ bị stress, ít có thời gian để vận động, tập luyện, ăn uống thất thường và có tỉ lệ người hút thuốc cao.

Thời gian làm việc là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu khi nghiên cứu đưa ra con số thống kê những người làm việc 40h/tuần thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn 14% so với những người chỉ làm việc từ 11 -19h/tuần và tỉ lệ này ở những người làm việc từ 40 - 50h/tuần là 17%.

Do tính chất công việc chủ yếu là làm việc văn phòng nên ít vận động, ngồi nhiều làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp và một số bệnh khác. Người ít vận động dễ bị tăng huyết áp hơn người vận động là 30%.

Làm sao phòng ngừa?

Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, cần thực hiện giảm cân theo chế độ ăn kiêng khoa học như ăn ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ.

Không nên ăn quà bánh vặt, nên ăn lạt chỉ nên ăn 2 - 4g muối mỗi ngày. Lượng muối này bao gồm cả lượng muối có trong thức ăn và nước chấm.

Nên ăn thức ăn có chứa nhiều khoáng  chất để hoạt động của hệ tim mạch được ổn định như:

- Kali, là chất có nhiều trong chuối, nước dừa, đậu trắng…

- Can-xi, có nhiều trong sữa, tôm, cua…

- Ma-giê, có nhiều trong thịt.

Nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật hơn là các loại thịt heo, bò, gà…

Không nên ăn quá ngọt ngay cả khi không bị đái tháo đường…

Hạn chế ăn mỡ động vật.

Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp nhiều chất khoáng, vitamin và chất xơ.

Hạn chế dần rồi tiến tới bỏ bia rượu, ngưng và bỏ hút thuốc lá.

Nên vận động, rèn luyện thân thể, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, mỗi ngày một lần khoảng 30 - 45 phút. Nên dùng các loại hình thể dục như thể dục dưỡng sinh, đi bộ, chạy bộ và tuyệt đối không được gắng sức khi cảm thấy tim đập nhanh.

Giữ nếp sinh hoạt điều độ, ổn định, tránh trạng thái xúc động, lo âu.

Khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện sớm các nguy cơ gây bệnh tim mạch đặc biệt là huyết áp cao và tư vấn phương pháp điều trị hiệu quả.

 

(Nguồn: suckhoedoisong.vn)

In bản tin