15 dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường ở phụ nữ ngoài 40

Cập nhật: 9/10/2020 | 7:54:28 AM

Tiểu đường là bệnh gây tử vong hàng đầu chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch. Sau tuổi 40 nếu không được chẩn đoán sớm có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm nấm âm đạo: Nấm Candidas trong âm đạo có thể sinh sôi quá mức nếu insulin bị mất cân bằng do tiểu đường, từ đó dẫn đến nhiễm nấm âm đạo. Bạn nên chú ý các triệu chứng như ngứa ngáy âm đạo và tiết khí hư trắng.

Suy nhược cơ thể: Cảm giác mệt mỏi và suy nhược có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường ở phụ nữ ngoài 40. Cảm giác suy nhược này có thể làm giảm năng suất làm việc và khiến bạn căng thẳng, lo âu.

Suy giảm chức năng sinh lý: Đau đớn khi quan hệ tình dục, giảm ham muốn và khó đạt cực khoái khi quan hệ là những dấu hiệu của bệnh tiểu đường ở phụ nữ sau 40. Bạn nên đi khám sức khỏe nếu gặp phải tình trạng này.

Luôn cảm thấy khát: Nếu bạn luôn cảm thấy khát và dường như cơn khát không thể nào được thỏa mãn, đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Uống nhiều nước thì tốt cho sức khỏe, nhưng nếu bạn thấy mình uống quá nhiều nước thì hãy gặp bác sĩ để kiểm tra mức độ đường trong máu.

Thay đổi tâm trạng liên tục: Hàm lượng glucose trong máu cao có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và sức khỏe tinh thần của bạn. Sự biến động hàm lượng glucose có thể khiến tâm trạng bạn lên xuống thất thường, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.

Suy giảm thị lực: Sự tăng hàm lượng glucose trong máu có thể dẫn đến phù hoàng điểm hay viêm giác mạc, dẫn đến suy giảm thị lực từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng ở phụ nữ.

Sưng nướu: Tiểu đường có thể là nguyên nhân gây bệnh viêm nha chu, một dạng viêm nướu nặng. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tiểu đường có thể gây tổn thương các dây thần kinh và làm giảm nguồn cung máu đến nướu, gây sưng nướu và các vấn đề khác.

Viêm da: Kháng insulin có thể gây bệnh gai đen, một bệnh lý về da đặc trưng bởi hiện tượng các nếp gấp da dày lên, đặc biệt là khu vực cổ và háng. Sự tích tụ mồ hôi ở các khu vực này có thể gây ngứa ngáy và dẫn đến nhiễm khuẩn da.

Đi tiểu nhiều: Hiện tượng tiểu tiện nhiều xuất hiện khi có sự mất cân bằng lượng đường trong cơ thể. Hiện tượng này có thể gây khó chịu, mấy nước và mệt mỏi.

Các vết thương lâu lành: Người bệnh tiểu đường sẽ gặp tình trạng các vết thương hở lâu lành. Nếu bạn có một vết thương hở lâu không lành, hãy đi kiểm tra xem mình có mắc bệnh tiểu đường hay không.

Tăng hoặc sụt cân không rõ nguyên do: Bệnh tiểu đường có thể khiến người bệnh sụt cân hoặc tăng cân đáng kể. Ở phụ nữ, bệnh này còn có thể gây chán ăn hoặc thèm ăn quá mức. Sự biến động về cân nặng có thể là một dấu hiệu của bệnh tiểu đường ở phụ nữ.

Viêm đường tiết niệu: Kháng insulin có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thận và dẫn đến suy thận hoặc tổn thương thận nghiêm trọng. Bệnh này có thể gây viêm đường tiết niệu, chủ yếu là nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng.

Hôi miệng: Hôi miệng có thể là một dấu hiệu sinh học chỉ định lượng glucose trong máu cao. Nguyên nhân gây hiện tượng này là sự bài tiết ketones ở gan. Điều này xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng glucose để tạo năng lượng, do đó phải lấy năng lượng từ các chất béo.

Tê nhói bàn chân và bàn tay: Các vấn đề về dây thần kinh như tê chân tay, cảm giác châm chích ở bàn chân và bàn tay, giảm xúc giác hay cảm giác nóng cháy ở chân tay có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là do sự giảm lưu thông máu đến các chi và tổn thương dây thần kinh.

Các chấm đen quanh cổ và nách: Các chấm đen và đỏ sẫm thường xuất hiện ở vùng cổ, bẹn và nách khi hàm lượng glucose trong cơ thể tăng cao. Đây là một triệu chứng về da phổ biến ở người mắc hoặc sắp mắc bệnh tiểu đường./.

(Nguồn: baoquangninh.com.vn)

In bản tin